Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Trần Hữu Ngư : TÔI NGHE BOLÉRO: NHỮNG TÌNH CA MỘT THỜI TÊN BAY ĐẠN RÉO.

 


   

LẠI NÓI VỀ BOLERO

   Có một thằng bạn,  ngày xưa học cùng lớp, bây giờ nghe nói nó khá lắm, có nhà cao cửa rộng ở Bình Thuận. Sau thời gian “cải tạo” nó… đếch đi Mỹ, ở lại Bình Thuận, nó gỡ bông mai xuống gắn… ở đầu trang trại, để nhớ một thời “oanh”, nay chỉ còn “liệt”. Nó làm lại cuộc đời bằng cách, nuôi gà, nuôi heo và “nuôi các cái”, nghĩa là con gì nuôi được là nó nuôi, kể cả nếu có “con nuôi”!

   Mỗi lần bước vào trang trại của nó, “nhìn thấy cái bông mai gắn vào cây cột, thấy… mà ghét”! Nhưng nó không có “tay nuôi”, nó chuyển qua “tay trồng”, trồng hành tiêu tỏi ớt, nhưng cái nào cũng cay, nó bèn chuyển qua thanh long, mặc dù thanh long có gai, nhưng ngọt sớt, nó giàu. Nó nói ai chửi TQ thì chửi, nó không chửi, vì “đằng ấy” mà không mua thanh long thì “đằng này” chỉ có… mạt!

   Nó điện thoại hỏi tôi:

   -Mày có còn mê nhạc không, và mày đang nghe nhạc gì?

   Tôi trả lời rằng:

   -Trời đất! Làm thanh long cho rồi, bày đặc nhạc nhiếc.

   Nó nói:

   -Mày bịnh gì vậy? Âm nhạc là đời sống mà!  Thanh long là vật chất. Đời tao mà thiếu âm nhạc như thanh long thiếu TQ.

   Thằng này ngày xưa cũng mê nhạc. Nghe nó nói như vậy, tôi thấy nó còn chơi được, chưa biến chất. Những ngày còn đi học, tụ tập anh em, bao giờ nó cũng ôm đàn đánh điệu Boléro, và chạy đằng trời nó cũng hát bài ruột của nó là “Đường xưa lối cũ”. Đây là một trong những bài Boléro chính hiệu “con nai vàng”:

 “… Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo

   Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi

   Đường xưa lối cũ…”

   Lúc nó hát, con mắt liếc ngang, liếc dọc, đưa tình, nhưng chỉ có cái tội là hàm răng hơi bị hô, nên “cua” em nào cũng trớt quớt…

   Tôi trả lời rằng thì là “Tao đang nghe nhạc Boléro”.

   Trời ạ, khi nghe tôi trả lời, đầu dây bên kia cất giọng nghe mùi thanh long ruột đỏ, cũng “Đường xưa lối cũ”, nhưng không nghe tiếng đàn Ghi-ta thuở nào, mà chỉ nghe tiếng hát của nó xen lẫn tiếng heo kêu:

   “… Khi tôi về bồi hồi trong nắng

   Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về

   Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn

   Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng

   Khi tôi về nghẹn ngào trong nắng

   Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về

   Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời

   Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ…”

     (Đường xưa lối cũ – Hoàng Thi Thơ)

   … Hay không mạy? Nhờ ăn thanh long ruột đỏ, giọng tao còn ngọt lắm!

   Tôi trả lời rằng: Đường xưa đã mất, lối cũ không còn…

    Đầu dây bên kia bỗng ngưng tiếng hát, chắc nó đang cho heo ăn.

    Nhạc Boléro sau 1975 đã đi qua một chặng đường đầy mưa sa bão táp. Những “trưởng giả học làm sang”, không viết được khóa Sole, không tiếc lời mạc sát Boléro, họ hội thảo về Boléro, họ muốn hướng dẫn dân miền Nam nghe nhạc “diệt phát xít”, “nhắm quân thù mà bắn”, họ đánh Boléro tơi bời hoa lá, họ “tìm và diệt” Boléro, để đến nỗi Boléro như những “con chim ẩn mình chờ chết”, nhưng nó không chết, vì Boléro là một chân lý, một thực tại hiển nhiên, những bản nhạc mang hơi ấm tình người, bản chất không chua ngoa, phù phiếm, những  ca từ trong lành, những nhịp phách êm tai, mát như gió mai, nhẹ như chiếc lá vàng rơi, ngọt như mía lùi… Là thổn thức của con tim, mấy triệu dân miền Nam đắm chìm trong Boléro, nhưng không có ai phải u mê, ám khí… Boléro là nhạc hiện thân của đất nước và con người. Rồi sau đó Boléro như những dòng sông, tất cả đều chảy…

   -Về đất nước: Sông biển, núi đồi, cỏ cây hoa lá, ruộng đồng vườn tược, đất trời…

   -Về con người: Tình yêu, khắc khoải trong chiến tranh, thân phận yếu mềm trước làn tên mũi đạn, những chia ly không hẹn ngày về, những tin dữ từ  KBC,  những cái chết như huyền thoại, những vết thương chiến tranh nguôi ngoai, những câu chuyện tình đẹp đến lãng mạn “ngoài kia súng nổ, đốt lửa đêm đen, tầm đạn thay tiếng em (Kẻ ở miền xa-Trúc Phương), những chia ly đến nao lòng “Hẹn em qua hết một mùa phượng rơi/ Nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay…” (Chiều hành quân – Lam Phương)

    Nghe Boléro khởi đầu là những bài hát về cây “Lúa”. Có những nhạc phẩm viết về cây lúa mang nhịp Rumba Boléro, nhưng thật ra Rumba và Boléro chỉ là “nhanh và chậm”. Người dân quê thì thích chậm thôi vì chậm mà chắc, nên họ chuyển sang hát nhịp Boléro.

   Cách đây khá lâu,  khi nhạc sĩ Hoài An còn sống, có lần tôi hỏi anh, nguyên do nào mà anh “thiết tha” với cây lúa? Anh trả lời rằng, khi vào miền Nam thấy đồng lúa đẹp quá, anh không chiu nỗi, “cầm lòng không đậu”:

   “… Mây trắng bay qua khi trăng dần lan

   Muôn câu hò nhịp nhàng khắp thôn trang

   Đoàn người say sưa vui tiếng hát vang

   Lúa dâng sữa ngọt đậm tình ta với nàng…”

    (Trăng về thôn dã – Hoài An)

Và:

   “… Quê hương ta đất xưa vốn nghèo

   Nhưng giàu tình thương nhau

   Biết yêu lúa màu xa cuộc đời cơ cầu

   Gái trai biết làm tròn lời thề khi ban đẩu…”

        (Tình lúa duyên trăng - Hoài An-Hồ Đình Phương)

  Đã xa rồi quê ta. Quê ta ngày ấy nhìn đâu cũng thấy đồng ruộng. Một mùa mạ xanh phơn phớt, một mùa lúa chín vàng hực, mùi rơm rạ theo ta vào giấc ngủ. Lúa và ta, ta và lúa. Một “Nắng đẹp miền Nam”, với một bút pháp tinh tế, những con chữ được mài giũa đến độ sắc sảo:

   “… Đường cày hôm qua

   Hôm nay tràn bông lúa mới

   Ôi duyên dáng đồng ơi

   Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi

   Mình ngắm nhau cười…”

       (Nắng đẹp miền Nam – Lam Phương-Hồ Đình Phương).

 

   Và một ước mơ giản dị:

   “… Mừng trăng lên chúng ta cùng mua hát

   Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát

   Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời…”

      (Khúc ca ngày mùa – Lam Phương)

   Còn một số bài hát về cây lúa mang nhịp Rumba Boléro khác như: Lúa mùa duyên thắm (Trịnh Hưng), Lối về xóm nhỏ (Trịnh Hưng), Tình thắm duyên quê (Trúc Phương), Trăng phương Nam (Anh Hoa), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ)…

   Khởi đầu Boléro “thuận buồm xuôi gió” trong những nhạc phẩm viết về “Lúa”, về sau nhạc sĩ chuyển sang đề tài rộng hơn khi cuộc chiến mỗi ngày mỗi lan rộng, người ta ngơ ngác nhìn chiến tranh, đạn bom đen kịt bầu trời, cái chết đã nẩy mầm, sự sống có chiều hướng héo úa… Trong hoàn cảnh này, Boléro  xuất hiện như một sự giãi bày, mang tất cả những hờn oán bi thương, những thân phận đọa đầy, xâu chuỗi những bất hạnh, dằn vặt giữa sống và chết, những rạng rỡ tình yêu… Boléro như một khúc hát dâng đời có “bi” mà không “lụy”, có “ướt” mà không “ác”… để rồi qua bao năm tháng, qua bao biển dâu, qua bao thời cuộc, kể những đổi dạ thay lòng, trước một phong trào nhạc mới, Boléro vẫn là những con sóng vỗ bờ mang đến cho chúng ta những âm thanh rì rào suốt bốn mùa biển dâng, sóng cạn. Boléro không triết lý cao ngạo, không làm dáng nhưng rất có duyên, một thứ duyên ngầm thấm đẫm từ bờ tre góc ruộng.

   Những ngày cuối năm, tôi điện về hỏi thằng bạn “thanh long”, mày có còn nghe nhạc nữa không?

   Nó trả lời rằng: Tao đang nghe Boléro. Nghe những bài hát Boléro này, tao nhớ, tao thương, tao tiếc, tao đắng lòng mày ạ:

   - Xóm đêm (Phạm Đình Chương)

   - Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương)

   - Chiều cuối tuần (Trúc Phương)

   - Màu tím hoa sim Dzũng Chinh)

   - Hàn Mặc Tử (Trần Thiện Thanh)

   -Đêm mưa ngoại ô (Đỗ Kim Bảng)

    Vân vân…

   Và nó không quên bài ruột “Đường xưa lối cũ”:

   “… Đường xưa còn đó

   Nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi

   Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi…”

   Tôi nói với nó rằng: Mày phải tìm và nghe cho được “Những bước chân âm thầm”:

   “Từng bước từng bước thầm…

   Đi trong chiều mưa hoang

   Đời biết ai thương mình…”

   (Những bước chân âm thầm – Thơ Kim Tuấn-Nhạc Y Vân)

   Sau cùng nó nói với tôi: Mày chép cho tao một số bài hát Xuân Boléro. Chớ tao nghe riết bài hát Tết này, rồi muốn cà lăm luôn: “Tết, Tết, Tết, Tết… đến rồi”! Nó thòng một câu nghe đau quá: Nhạc bây giờ chỉ có “nhiếc” thôi mà không có “nhạc”, “từ” thì có mà không có “tứ”, rồi nó cười ha hả! Tiếc quá, mấy mươi năm qua tôi không gặp nó để xem hàm răng hô của nó có rụng cái nào không!

   Những năm gần đây, thấy Boléro như một cơn mưa trái mùa thấm nhẹ qua vùng đất khô cằn.

Mong rằng những hạt mầm sẽ nở.

TRẦN-HỮU-NGƯ

(Saigon, tháng 11.2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...