Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Nguyễn Minh Diễm (1943-2014): CHUNG MỐI CẢM HOÀI

 

NGUYỄN MINH DIỄM.

CHUNG MỐI CẢM HOÀI

 

Ta còn để lại gì không?

Kìa non đá lở này sông cát bồi

(Nguyện Cầu, thơ Vũ Hòang Chương)

Trong cõi mênh mang vô tận của trời đất, đời người chỉ là một mảy bụi, và trong cái vô thủy vô chung của thời gian, thì đời người chỉ là một khỏanh khắc thóang qua.

Tuy nhiên, đối với những ai đang miệt mài trong trần gian, thì đời sống lại vô cùng đa dạng, phong phú đến từng phút từng giây. Những đau khổ, hạnh phúc nối tiếp nhau trong một chuỗi bất tận khiến cho cây đời lúc nào cũng xanh lá, và dù đắng cay ngọt bùi liên tiếp thay thế nhau, chen lấn nhau thì cuộc sống vẫn là nguồn hạnh phúc bất tận, khi quyết tâm thưởng thức từng phút giây của cõi nhân sinh.

Nhưng cuộc vui nào cũng có lúc tàn, và nỗi đau nào cũng có lúc hết, nên cuộc đời nào khi bất chợt nhìn lại sau những bon chen vất vả, sau những đấu tranh bất tận hoặc vì miếng cơm manh áo, hoặc vì những lý tưởng cao xa, cũng thấy như một giấc mộng. Cái “nhìn lại” này từ nhiều ngàn năm trứơc từng là nguồn cảm khái vô tận cho thi nhân và triết gia.

Từ đâu ta tay trắng bước vào quay cuồng trong khỏanh khắc gọi là trăm năm? Và sau đó thì ta lại phủi tay đi đâu (hay là về đâu?)

Vũ Hòang Chương bơ vơ trong “Nguyện Cầu”

“Lang thang từ độ luân hồi,

U minh nẻo trứơc xa xôi dặm về”

Và Quách Mạt Nhược đã dịch từ thơ của thi sĩ Ba tư Omar Khyan thành mấy câu, mà Kim Dung sử dụng để tô điểm cho mối tình lãng mạn đệ nhất của Trương Vô Kỵ và Tiểu Siêu trong Ỷ Thiên Đồ Long ký:

Lai như lưu thủy hề, thệ như phong,

Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung.

(Đến như nứơc chẩy, đi như gió,

Chẳng biết đến từ đâu, mà cũng chẳng biết kết thúc ở đâu)

Nỗi bơ vơ trong cái “khỏanh khắc” được gọi là trăm năm ấy khiến con người đến một lúc nào đó trong đời phài nhìn lại đọan đường mình đã đi, và từ “nhìn lại”, đến “ghi lại” chỉ còn một bước nhỏ, mặc dù có ghi lại chăng nữa thì rồi cũng chẳng biết số phận của những lời ghi ấy sẽ ra sao, sẽ đi đâu, về đâu. Nhưng nếu ai cũng “nhìn lại”, thì không phải ai cũng có thể “ghi lại”, hay ít nhất, ghi mà cảm khái được người đọc. Công việc ấy là của một giới riêng, là những thi sĩ.

Nguyễn Minh Nữu đã làm đựơc điều ấy, và trong ý nghĩa đó, chàng là một thi sĩ:

Tôi đến đây từ một tình cờ,

Và sẽ ra đi rất bất ngờ

Ký thác chút tình vào vĩnh cửu

Ghi trên hòn đá cuội vu vơ

(Lời ghi trên hòn đá cuội)

Thật thú vị khi trong đời có những thi sĩ, có những người “ôm đàn đến hát giữa đời” để nói giùm ta những điều ta chỉ cảm nhận mà không nói ra được, và còn thú vị hơn khi có một thi sĩ chia sẻ cùng ta những kinh nghiệm rất riêng tư, rất trân quý tưởng như vĩnh viễn cất gọn trong kho tàng ký ức.

 Trong những ngày thơ ấu hơn 50 năm trước, mỗi sáng sớm, khi anh chị em tôi còn đang say giấc, trong nhà đã có những âm thanh quen thụôc khi mẹ tôi dậy đun nước pha ấm trà uống cùng cha. Khi cha đã mất, và gia đình di chuyển vào Nam, sống trong hòan cảnh khác hẳn, thì vẫn những âm thanh quen thuộc ấy, nhưng trình tự thì có khác: Ấm trà được rót ra chén tống, rồi chén quân để lên ban thờ. Mẹ mời cha trứơc khi trầm ngâm nhấp từng ngụm nhỏ, khuôn mặt vẫn hướng về tấm hình người đã khuất trên ban thờ, làm như sự xa cách âm dương chưa bao giờ có thực. Những âm thanh và hình ảnh người mẹ ngồi uống trà buổi sớm ấy đã trở thành một phần trong tâm tư và trong đời sống mỗi anh chị em chúng tôi. Nó theo chúng tôi trong từng chặng cuộc đời dẫu ngọt bùi hay đắng cay. Nó là hình ảnh gắn liền vói mẹ với cha, với gia đình mỗi khi nhớ về chỗ từ đó mình ra đi-có khi để ngậm ngùi mà cũng có khi để hân hoan-, nhưng từ trứơc đến giờ tôi chỉ có thể cảm mà không thể nói. Nay đã có người nói giùm:

Thấp thóang hương bay cuốn bệ thờ,

Ánh mắt cha nhìn như ánh thơ

Con thấy mẹ nâng tay tách nước

Nghe rung động suốt cõi mơ hồ

 Thinh lặng giữa đôi bờ hư thực

Hương chè mạn lục thỏang qua môi

Hắt hiu một bóng soi trên vách

Mà khay vẫn có tách sóng đôi.

(Tách trà thơm buổi sớm)

Cũng trong tâm tình như thế, Nguyễn Minh Nữu đã nói lên giùm tôi nỗi xúc động khi về thăm mộ cha ở nghĩa trang Yên Kỳ, Bất Bạt, Sơn Tây sau mấy chục năm trời xa cách, và nỗi bâng khuâng kéo dài (như cơn mưa lê thê) khi lại (phải) ra đi:

Bất bạt ngừng ngay giấc ngủ ngày

Yên Kỳ ngàn mộ mở vòng tay

Đón tên phiêu bạt bao năm cũ

Mềm lòng quay lại cố hương đây

Sơn Tây Sơn Tây mưa lê thê

Đời sao hứa đựơc lúc ta về

Gói cả núi đồi vào ký ức

Ta nhớ và Sơn Tây nhớ nghe.

(Mênh Mông trời Bất Bạt)

Tập thơ của Nguyễn Minh Nữu gồm ba đọan: Thơ tặng con diều giấy, dế than và cá lia thia, Lang bạt và Ký thác. Những bài thơ rõ là đựơc xếp theo thứ tự thời gian của cuộc sống, đánh dấu những chặng đường của “khỏang khắc trăm năm”. Sự xếp đặt ấy cho thấy cái tinh thần hòai cảm đã hòan tòan chế ngự tập thơ, và quả nhiên, nó hiện ra trong từng câu thơ, từng con chữ.

Nhưng có lẽ chủ ý của thi sĩ và cũng là cái tâm đắc của ngừơi-anh-độc-giả này là ở phần ký thác với những bài thơ ghi lại những kinh nghiệm quý giá nhất trong cuộc sống ba chìm bẩy nổi của chàng. Đó là những kinh nghiệm hình thành từ bao giờ trong tâm tư, nằm lại đó và thôi thúc chàng viết ra, dù biết rằng:

Đã có hàng triệu lời như thế

Nhạt nhòa khắp những bãi hoang vu

(Lời ghi trên hòn đá cuội)

Trong những kinh nghiệm ấy, may mắn thay và hạnh phúc thay, có những điều anh chị em chúng ta cùng chia sẻ với nhau.

Xin cảm ơn chú-em-thi-sĩ Nguyễn Minh Nữu.

Virginia, tháng chín năm 2006

Người-anh-độc-giả

NGUYỄN MINH DIỄM

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...