Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

NÔNG SƠN THI TẬP , Bản phiên âm dịch nghĩa dịch thơ của NGUYỄN THỊ BỘI CẨN (LỜI GIỚI THIỆU)

 

 


 NÔNG SƠN THI TẬP của TRÚC HẦU NGUYỄN CAN MỘNG,

NGUYỄN THỊ BỘI CẨN Phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ.

phần 1, LỜI GIỚI THIỆU.

 

Lời giới thiệu

Nông Sơn Thi Tập農山詩集 là tập thơ chữ Hán của cụ Nông Sơn Trúc hầu Nguyễn Can Mộng (1880-1954). Tập thơ này được công bố trên Nam Phong tạp chí năm thứ 17 (1933), phần Hán văn, liên tục trong các số 185, 186, 187, 188, 189. Tập thơ gồm có gần 70 bài hầu hết viết theo thể thất ngôn bát cú Đường Luật. Có 1 số ít bài viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú hoặc liên hoàn- Có 66 bài của cụ Nông Sơn, hai bài đối của các bạn thơ.

 Căn cứ vào thời điểm công bố của tập thơ và sự ra đời của bút hiệu Nông Sơn, ta có thể hiểu tập thơ được sáng tác trong khoảng 20 năm. Từ năm 1912 đến năm 1932. Đặc biệt là khoảng thời gian 1922-1932. Tập thơ đã thể hiện tâm tư tình cảm của cụ Nông Sơn trong một thời điểm lịch sử nhất định. Muốn hiểu điều này, ta cần nắm qua bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đến năm 1932 và hiểu về hoàn cảnh riêng của tác giả.

Cuối thế kỷ XIX, khi phát súng xâm lược đầu tiên của Pháp bắn vào cửa bể Đà Nẵng thì trên đất nước này không bao giờ im tiếng súng chống Pháp. Mới đầu là ở Nam Bộ, những cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ liên tục nổ ra: Trương Định, Thủ Khoa Huân, Phan Tôn, Phan Liêm, Thiên hộ Dương…Từ khi hòa ước Patenôtre 1885 được ký, chiếu Cần Vương ra đời, thì từ miền Trung đến miền Bắc vô số những cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu và nông dân. Nổi bật ở miền Trung có Phan Đình Hùng, miền Bắc có Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám và rất nhiều những cuộc nổi dậy của các sĩ phu bỏ quan chống Pháp ở khắp nơi. Pháp phải ra sức đánh dẹp.

Đầu thế kỷ XX, những cuộc khởi nghĩa cơ bản đã dẹp yên. Pháp tiến hành chính sách cai trị đất nước ta. Chế độ thực dân nửa Phong kiến được hình thành và đi dần vào ổn định. Các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc, Đào Nguyên Phổ…nhận thấy cuộc đấu tranh ái quốc cần phải chuyển sang mặt trận văn hóa. Nước Nhật nhờ sự canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng mà trở thành cường quốc. Dân ta cũng cần phải đổi mới tư tưởng để mở mang. Phong trào Duy Tân, Phong trào Đông Du, trường Đông kinh nghĩa thục được mở ra tháng 3 năm 1907 nhằm đào tạo một thế hệ mới có ý chí độc lập tự cường, năng động tháo vát và tự nguyện đóng góp vào sự nghiệp chung. Phong trào Duy Tân hô hào cắt tóc ngắn, mặc âu phục cho gọn gàng. Thẳm sâu của tinh thần đổi mới là để cứu nước. Nhưng thực dân Pháp đã hiểu ra sự " bất lợi” này cho chế độ nên chỉ 9 tháng sau, Đông kinh nghĩa thục bị đóng cửa. Năm 1908 Pháp lập ra trường trung học Bảo hộ (collège du Protectorat) ở ven hồ Tây thuộc vùng Kẻ Bưởi nên mọi người quen gọi là trường Bưởi. Đây là trường trung học Pháp-Việt đầu tiên ở Đông Dương, tiền thân của trường trung học Chu Văn An bây giờ. Lúc bấy giờ trường dạy toàn tiếng Pháp, chỉ có giờ Hán Văn, quốc văn là dạy tiếng việt do giáo sư người Việt đảm trách. Trường đã đào tạo ra tầng lớp trí thức tân học, tinh hoa của đất nước sau này. Ngoài xã hội, phong trào đổi mới ngày càng phát triển mạnh mẽ, người ta nô nức theo cái mới, cho những phong tục tập quán suốt 4000 năm của dân tộc là cổ hủ, bị đẩy lùi. Nguy cơ mất gốc đã trở thành mối lo của các thức giả lúc bấy giờ. Hai tờ báo Nam Phong tạp chí và Đông Dương tạp chí đã đóng góp tích cực vào sự dung hòa các tinh túy của hai nền văn minh Đông Tây. Báo Tứ Dân Văn  Uyển(1935-1943) cũng góp phần tích cực trong việc quảng bá tư tưởng triết học Đông phương và văn chương, phong tục nước nhà.

Nông Sơn Nguyễn Can Mộng xuất thân từ một gia tộc có truyền thống lẫm liệt ở làng Hoàng Nông huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Thân phụ ông là Nguyễn Tề, làm Đề đốc quân vụ phủ Thường Tín(Hà Đông) nên mọi người gọi là Đề Thường. Năm 1885, khi triều đình Huế ký hòa ước Patenôtre, nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp, ông cùng em trai là Nguyễn Tốn, tri huyện Duyên Hà, người đời quen gọi là Bang Tốn, bỏ quan, khởi nghĩa chống Pháp ngay tại quê hương mình. Cuộc khởi nghĩa cũng lập được nhiều chiến công nhưng trong một trận bị đánh úp, hai thủ lãnh bị sát hại, nghĩa quân tan rã, làng quê bị tàn phá, gia tộc bị truy lùng. Nông Sơn Nguyễn can Mộng lúc đó mới 5 tuổi đã phải theo mẹ và các anh chị chạy loạn suốt 15 năm. Đầu năm 1900, Pháp bỏ lệnh truy lùng, gia đình mới trở về quê quán, được đi học. Sau 16 năm đèn sách, ông thi đỗ cử nhân năm 1912 và đỗ Phó Bảng năm 1916.

Khác với các bạn đồng niên, trong khi họ tham chính làm quan tri phủ, tri huyện, hiếu liêm, tuần phủ….ông có nguyện vọng đi dạy học. Ông được bổ làm Huấn đạo huyện Ý Yên (Nam Định) 3 năm. Chuyển làm giáo sư Hán học và Việt Văn ở trường trung học Bảo hộ. Ba năm sau, ông xin nghỉ dạy, ở nhà viết sách giáo khoa về văn chương, lịch sử, soạn tự điển Hán Việt, Hán Việt thành ngữ, sáng tác thơ văn và du lịch khắp trên miền Bắc. Năm 1932, nhận thấy cần thiết phải đóng góp vào công cuộc chấn hưng nền văn hóa dân tộc đang bị phong trào Âu hóa đẩy lùi, ông quyết định trở lại làm việc tại phủ Thống Sứ Bắc Kỳ, phòng báo chí. Ông được phân công làm chủ bút tờ báo “Tứ dân văn uyển”. Việc trở lại làm việc trong chính quyền lần này đã làm cho rạn nứt tình anh em của ông với ông Tú Khiêm, người em họ, con trai cụ Bang Tốn, và sau này có một số người có tư tưởng chống pháp cực đoan cũng nhân đó mà công kích ông. Thực ra, đây mới là lúc ông hoạt động văn hóa tích cực nhất như quảng bá văn chương Việt Nam, lịch sử Việt Nam, phong tục Việt Nam trên tinh thần đổi mới. Người đương thời đánh giá ông là một nhà văn hóa lớn, uyên bác và tài hoa. Ông được thăng Kiểm học rồi Đốc học.

Trở lại với Nông Sơn thi tập, ta bắt gặp những tâm tư tình cảm của nhà thơ Nông Sơn suốt 20 năm. Từ khi đỗ cử nhân khoa nhâm Tí 1912, đỗ Phó Bảng năm Bính Thìn 1916. Tiếp theo là những năm đầu hành đạo.

Trước hết là hoài niệm về quá khứ. Trước ngã ba sông Nông và Châu Giang, nơi từng ghi dấu bao chiến công thuở trước, nay không còn dấu vết, nhà thơ mang nỗi lòng ngổn ngang “Tâm sự anh hùng tam chi thủy” (Tâm sự anh hùng ba dòng nước) không biết phải đi về hướng nào, nhà thơ còn cảm thấy mình nhỏ nhé, cô đơn như ngư ông trên con thuyền bé, rất bé như ngọn “cô bồng” (cỏ bồng cô đơn) đang bềnh bồng trên mặt nước. Thật vậy, ông đang gặp khó khăn khi chọn cho mình một hướng đi như thế nào để không ngược lại với chí hướng của tiền nhân.

Ông là tín đồ của đạo Khổng. Đạo Khổng dạy con người phải dấn thân “Tiến vi quan, thoái vi sư” (tiến lên thì làm quan, lùi lại thì làm thầy) ông không muốn làm quan với Pháp nhưng làm quan với triều đình Huế thì cũng xem như là làm quan với Pháp. Ông chọn con đường dạy học thì ông là một học quan. Việc dạy học của ông trong ngôi trường Bảo hộ thật chẳng dễ chịu một tí nào! Theo lời kể của người học trò cũ, học giả Đàm Quang Thiện, trong buổi học, ông bảo học trò đóng cửa lớp lại và nói “Bây giờ, bên ngoài lớp là thế giới của ngoại quốc, bên trong này là thế giới của tổ quốc, chúng ta muốn nói gì với nhau cũng được, người ngoài không nghe thấy được, mà những tiếng giảng bài bằng Pháp ngữ ở các lớp bên ngoài cũng không đến tai ta được.” Ông và ông Tú Khiêm, con trai cụ Bang Tốn, em con chú, đã cùng nhau bàn bạc, suy tính mà chưa đi đến được quyết định nào.

“Dữ quân quát mục đa tam nhật”

“Tiếu ngã trầm ngâm hựu nhất niên.”

(cùng em suy nghĩ bao ngày

Cười ta do dự tính nay năm tròn )

Và ông chọn con đường nghỉ dạy học để viết sách, để không phải làm việc với Pháp, kẻ thù của gia tộc . Ông yêu thương và tự hào về cha chú của mình nhưng niềm tự hào ấy không dám ngỏ cùng ai, không nói được nên lời. Suốt 10 năm, ông đem túi thơ đi du ngoạn khắp nơi trên miền Bắc. Lòng yêu nước đã đưa ông đến những di tích lịch sử, nơi ghi dấu chân của những vị anh hùng dân tộc. Thăm Thiên trường cố cung, thăm nhà cũ Mặc Nam (nơi ở cũ của Trần Hưng Đạo) thăm đền Phù Đổng, thăm Tiên La liệt miếu…Đặc biệt, khi đứng trước thành Cổ Loa dầu dãi bao năm tháng  ông đã bùi ngùi.

Cố quốc hữu hồn đê đỗ vũ

Hoang thành vô xứ mịch linh qui

(khắc khoải chim kêu hồn nước cũ

Thành hoang rùa ẩn ở nơi nào?)

Và lại thương cảm cho nỗi oan của Mỵ Châu:

Thiên cổ đan tâm công luận tại

Vi tu sử kính giải hồ nghi

(Lòng son thiên cổ người bàn tán

Làm sao sáng tỏ nỗi oan đời?)

Ông tìm đến những ngôi chùa cổ xưa, những danh thắng của đất nước. Có khi ông leo lên núi cao, có khi xuống đồi tận những hang động sâu. Trong thơ ông, “ta thấy được hiện lên hình ảnh non sông ta vừa hùng vĩ vừa bao la, vừa nên thơ, vừa cổ kính. Mỗi cảnh trong thơ là một bức tranh. Bức tranh nào cũng nào cũng gắn liền với cảm xúc dạt dào của nhà thơ với những đường nét sống động. Khi lên núi cao:

Sơn tự bàn long ngọa bích ba

Ngã lai nhất phóng thướng tha nga

Không trung hữu các khán nhân tiểu…..

(Non như rồng xuống cảnh chiều

Trèo non thăm cảnh cheo leo giữa trời

Đoái trông nhỏ tít bóng người….)

Du Long Đội Sơn tự.

Khi xuống động sâu:

Thâm u động khẩu tiểu khê lộ

Thanh tuyệt hồ_tâm không bích nhàn

Xuất một ngư long ba khảm thạch…

(Đường vào sâu thẳm khe luồn động

Ánh sáng trong xanh nước lộn trời

Sóng đánh đả chênh rồng cá nhảy….)

Ba Bể hồ

Hơn nửa tập thơ, ông dành cho bè bạn. Ông có nhiều bạn: bạn cùng học, bạn đồng niên, bạn đồng liêu, bạn thơ….Ông làm thơ để chia sẻ với bạn những niềm vui, nỗi buồn, động viên bạn khi họ gặp khó khăn, góp ý bạn có những bước đi chệch hướng hoặc cùng bạn xướng họa trong lúc trà dư tửu hậu: Cũng qua những bài thơ đôi ẩm với bạn bè, ta thấy hiện lên quan niệm sống của ông.

Trước hết, ông không đồng tình với lối sống ngông cuồng của ông tú tài Trịnh Lí Cát. Thi hương 3 lần, ông Trịnh chỉ đậu tú tài, đi làm việc không vừa ý, lên rừng cùng vợ dựng lều bên suối trồng trà, khắc thơ lên vách núi, tự nhận mình là “vua”

Trà khê ẩn ẩn cách nhân gia

Thiên vị thi hào trúc thiệu oa ?

(Suối trà mờ nhạt khác người ta

Trời khiến thì hào ở lỗ a?)

….Song hạ thỉnh quan khán tiểu chiếu

Phục hoàng thân thế thị chân na?

(Trước song mời ông soi lại thử

Thật muốn như vua Phục Hy à?)

Học hành thi đỗ theo nhà thơ Nông Sơn là phải đem sở học để phục vụ cho đất nước chứ có lẽ nào lên non sống như một người tiền sử? Ông cũng không đồng tình với lối sống ăn nhậu của Hiếu Liêm Nhuy giang Thập Vĩ. Ông yêu mến, cảm phục lối sống thanh cao của ông Tử An Trần Lê Nhân nhưng lại cảm thấy lo lắng khi nghe tin bạn bỏ nghề dạy học để viết sách (sách Cổ học tinh hoa). Ông e rằng bạn sẽ vất vả vì “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” (Tản Đà_Hầu Trời)

Ngô văn thùy thị thiên kim mãi

Cổ học thư cô cận nhược hà?

(Văn tôi ai chịu mua giá đắt,

“Cổ học” của anh bán được bao?)

Ông rất yêu mến những người bạn ra làm quan sống cuộc sống thanh liêm, hết lòng chăm lo cho dân, cho nước như Tiến sĩ Bùi Bằng Thuận tri phủ Trường Định-Tri huyện Duyên Hà Bùi Bằng Phấn…Như vậy, làm quan, dù là làm quan với chính quyền thực dân phong kiến cũng vẫn có cơ hội vì dân vì nước. Chính những người bạn này đã khiến cho ông cảm thấy mình đã bỏ phí 10 năm cơ hội làm điều có ích cho đất nước, ông quyết định đi làm việc trở lại dù phải làm việc với Pháp nhưng làm được việc có ích cho nền văn hóa dân tộc thì cũng phải làm.

Qua Nông Sơn thi tập, ta bắt gặp tâm hồn của một nhà nho tài hoa, yêu nước. Ông có những trăn trở trong buổi đầu hành đạo nhưng sau đó, ông cũng tìm cho mình một hướng đi để phục vụ cho dân, cho nước. Tình yêu nước và ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ đối với nền văn hóa dân tộc đã khiến ông vượt lên mọi tị hiềm. Đối với gia tộc họ Nguyễn ở Hoàng nông, tập thơ này được coi như một di sản. Mong các hậu sinh trong gia tộc đọc để hiểu tiền nhân mình đã sống như thế nào.

 

Người dịch

Nguyễn Thị Bội Cẩn

 

Qui ước chung cho mỗi bài thơ

a.  Nguyên bản chữ hán

b.  Phiên âm

c.   Dịch nghĩa

d.  Dịch thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...