Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

elena pucillo truong, MÙI VỊ GIA ĐÌNH, Tùy bút.

 

 

MÙI VỊ GIA ĐỈNH.

Bản dịch của Trương Văn Dân

 

Sau mấy ngày mưa thu nhẹ nhàng mà liên tục, sáng hôm ấy trời xanh và có những tia nắng ấm áp chiếu lên những chiếc lá phong đang nhuốm vàng, ửng đỏ.

Bên ngoài yên lặng, và trong căn nhà còn có một người nữa ngoài tôi cũng đã thức.

Trong lúc đun ấm nước để pha cà phê tôi chào chị Kim Mai đang tất bật chuẩn bị các vật dụng cần thiết để bỏ vào túi xách để mang đến chỗ làm.

- Thế đủ rồi…  tôi mang theo chút đồ để ăn trưa.

 

Tôi nhìn chị mặc lên người chiếc áo khoác nặng và dày, quấn chiếc khăn len lên cổ để chống lạnh. Khi cầm thêm một trái chuối, chị nhìn tôi và nói:

- Chuối Mỹ. Nó ít ngọt và dài hơn chuối Việt Nam nhưng có thể để được lâu.

Tôi cũng lấy một trái rồi ngồi xuống bàn, thưởng thức cái hơi ấm từ tách cà phê nóng đang cầm trên tay.

Chị Mai chào tôi rồi bước về phía cửa, và vừa lúc ấy anh Nữu cũng từ trên lầu đang bước xuống cầu thang.

- Chào “mẹ”, chúc mừng ngày mới!

- Chào “bố”, em nấu sẵn phở để điểm tâm rồi nhé. Hẹn tối gặp lại.

- Em khỏi lo! Lát nữa có thể anh và mọi người ra ngoài ăn. Tối gặp nhé!

Chiếc cửa nhẹ nhàng khép lại và lúc này thì mùi cà phê cũng đang trộn lẫn với mùi phở nóng đang bốc khói và tỏa ra khắp nhà.

Tôi đến Virginia đã vài ngày, đang ở trong căn nhà của Nguyễn Minh Nữu nhưng tôi cứ có cảm giác như mình đang ở Việt Nam, vì trong không gian đều có cùng hơi ấm và hương thơm.

Tất cả những điều này đã cho tôi một sự an tâm, một cảm giác được bảo bọc và thân tình. Lúc này tôi đang ở xa nước Ý, quê hương mình, và nơi đó màu sắc của mùa thu cũng giống hệt những gì mà tôi nhìn thấy qua cửa sổ nơi đây.

Và dù tôi cũng đang rất xa Việt Nam, nhưng tôi vẫn nghe được thứ ngôn ngữ đầy nhạc điệu, cảm nhận được hương thơm và mùi vị… nhưng trên hết là cái không khí ấm cúng của gia đình đã làm lòng tôi ấm áp.

Có rất nhiều người, vì lý do sinh sống buộc phải ra ngoại quốc, mà sống ở nước ngoài thì cần phải có một khả năng thích nghi cao. Họ đâu phải là du khách, lòng chắc chắn là sau vài ngày nuốt các thức ăn không vừa miệng, chịu khó đi các nơi mà sau này không nhớ nổi tên để chụp hình kỷ niệm, nhưng rồi sau đó sẽ được trở lại với đời sống quen thuộc của mình.

Sống ở nơi không phải nước mình thì cũng giống như lạc vào một thế giới khác.

Ngôn ngữ, thói quen, truyền thống. Những giá trị, thức ăn và cả không gian, khí hậu đều khác. Nhưng họ vẫn phải chấp nhận tất cả để có thể làm việc, để mưu cầu một tương lai tốt hơn cho mình và cho gia đình.

Người Ý chúng tôi quá hiểu điều ấy. Trong quá khứ, vào nhiều thời kỳ, đều có nhiều người Ý di cư qua Bắc Âu, nhất là Pháp và Đức hay có khi qua Bỉ, như làn sóng di cư qua Marcinelle (1956) mà nhiều người đã bỏ mạng khi làm việc trong hầm mỏ.

Những người khác thì tìm việc làm trong hãng xưởng ở nơi xa hơn, tận Bắc Mỹ hay có người chọn Nam Mỹ như Brasile hay Argentina để chăn nuôi hay trồng trọt. Số khác nữa đi cư qua Úc để chăn nuôi cừu hay làm những con đường trong rừng hoặc khép mình trong hầm mỏ, như ở Kalgoorlie, nằm gần thành phố Perth, một thị trấn được mệnh danh là “Golden Mile”, mà từ năm 1893 đã rất nổi tiếng vì có mỏ vàng rất lớn.

Những người Ý thời đó ra đi tìm việc để kiếm chút tiền gửi về gia đình đang sống trong khốn khó. Trong những bức hình đen trắng ở cuối thế kỷ 19 và giữa thế kỷ 20 người ta thường thấy ở những bến cảng có những con tàu và trên những cầu cảng có những đoàn người di cư đứng sắp hàng bên chiếc va li bằng carton được cột với một sợi dây gai. Hành trang của họ chỉ là vài bộ quần áo, mấy mẩu bánh mì, vài thỏi pho mai và một ít thịt nguội. Cũng có người mang theo vài gốc nho và nhờ họ mà về sau nghề trồng nho đã được phát triển ở Úc và các nơi khác trên thế giới.

Khi ra đi tất cả các di dân đều mang những bức hình gia đình trong chiếc ví của mình. Và chỉ sau vài tháng đường viền trên các bức hình của vợ hay của mẹ đều bị nhàu nát hay ẩm ướt vì nước mắt của nhớ thương.

Nhưng đó cũng chính là nước mắt từ đôi mắt trũng sâu của những người ở lại. Đó là những người cha già đã không còn nhận ra là thế giới đã thay đổi nhanh chóng như thế nào xung quanh mình. Đó là những bà mẹ ngày đêm ngồi trước cửa trông chờ một bức thư. Đó là những cô dâu trẻ vẫn còn nhớ những cái vuốt ve cháy bỏng đam mê mà lúc này đã bắt đầu nguội lạnh.

Tất cả đều mong thư! Nhưng thời đó làm gì có các phương tiện truyền thông như hôm nay, từ lúc gửi một bức thư đến khi nhận trả lời có khi phải mất vài tháng. Nhiều gia đình suốt nhiều tháng vẫn chưa nhận được thư và tin tức mong đợi. Có khi vài tháng, có khi cả năm, hay bặt vô âm tín. Họ khát khao và thèm muốn lúc nhìn người hàng xóm đang hạnh phúc chuẩn bị hành trang để qua thăm chồng ở Mỹ. Nhưng điều may mắn này xảy ra rất hiếm hoi.

Trong các ngôi làng nhỏ ở nước Ý, cũng có ở miền Bắc, nhưng nhiều nhất là ở miền Nam, đông nhất là ở vùng Sicilia và Calabria, có rất nhiều cô dâu bị bỏ quên, mà ở Ý người ta gọi là những “góa phụ trắng”: bị những ông chồng đang sống ở nước ngoài bỏ quên. Có thể họ đã có một gia đình mới nhưng cũng có thể là họ đã chết ở một nơi nào đó mà không ai biết.

Tất nhiên tôi đã quá hiểu là có rất nhiều nỗi đau khi một người nào đó phải sống tha phương tận nước người qua những câu chuyện đầy thương tâm và nước mắt mà người dân nước tôi đã trải, và có lúc tôi cũng có nghĩ đến số phận và định mệnh của mình.

Có người đã ra đi mà trong tim luôn mang theo nguồn gốc của mình và tôi nghĩ đây là điều tuyệt vời đối với những ai còn giữ được những giá trị đó. Nhưng không phải ai cũng làm thế. Có người ước muốn con cháu mình sớm hội nhập với môi trường mới và chóng quên đi những truyền thống của quê hương. Họ quên đi ngôn ngữ, tập quán, quên luôn cả những họ hàng thân thuộc, để không còn vướng bận gì nữa, quên luôn cả hình ảnh chiếc bàn thờ ông bà với lý do là nhà chật, không còn chỗ…

Nhưng con người không có cội nguồn thì không thể tồn tại. Nó giống như một cái cây không có rễ. Nó đánh mất tất cả những giá trị, truyền thống và văn hóa.

Ta là ta vì trước đây đã từng có một tổ tiên nào khác đã từng tồn tại trước ta, và người ấy tiếp tục hiện diện trong DNA của chúng ta, vì chúng ta là con người chứ không chỉ là những phân tử hóa học hay tế bào thần kinh, mà chúng ta còn có trái tim, biết rên xiết vì đau đớn hay mừng vui trong những phút giây hạnh phúc.

Con người chúng ta còn được cấu tạo bởi những kỷ niệm đến từ quá khứ và nó giúp chúng ta sống cái hiện tại này dù bất cứ định mệnh sẽ đưa ta đến đâu.

Giờ thì tôi đang ở đây, trên đất Mỹ, và khoảng cách từ đây đến Ý chắc cũng gần bằng từ Ý đến Việt Nam, đó là 2 đất nước luôn thuộc về trái tim tôi, trong một căn nhà đang tỏa hương cà phê hòa quyện cùng mùi phở nóng để thưởng thức cái không gian ấm áp từ lòng hiếu khách của hai bạn Nữu và Mai.

Đang miên man suy nghĩ, tôi chợt nghe tiếng cười giòn của chồng tôi,  của anh Nguyên Minh và anh Đoàn Văn Khánh, có lẽ họ mới vừa thức dậy.

Tôi bắt đầu chuẩn bị múc phở ra tô để mọi người điểm tâm, và lúc này từ bàn thờ gia tiên của gia đình Minh Nữu – Kim Mai mùi nhang khói cũng đang lan tỏa trong căn nhà.

Bên ngoài hình như trời vẫn còn lạnh, nhưng có quan trọng gì đâu vì tôi đang  cảm nhận một hơi ấm xung quanh mình, cái cảm giác như đang ở nhà mình.

Bên ngoài, cái thế giới đầy thống khổ kia… hãy cứ chờ đợi nhé.

 

Viết tặng anh Nguyễn Minh Nữu và chị Kim Mai-

Sài Gòn 10-2018

EPT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...