Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

NGUYỄN MINH NỮU, THƯƠNG QUÁ SAIGON NGÀY TRỞ LẠI, BÚT KÝ Phần 8

 

8/

Bữa cơm trưa ở Saigon Quán vào ngày 20.12.2015 không ngờ là lần cuối cùng tôi gặp Đinh Cường. Buổi trưa đó, khi cùng Phạm Cao Hoàng đưa Đinh Cường về nhà, ông không còn xuống xe đi từng bước ngang qua khoảng sân cỏ vào nhà nữa, mà từ bên hông nhà, Đinh Trường Giang đi nhanh ra đón ông, dìu ông đi từng bước chậm theo con dốc để vào nhà bằng lối sau. Nhìn dáng đi liêu xiêu của ông xuống con dốc nhỏ vào nhà, trước mặt là cánh rừng Natick mùa đông cây khô trụi lá, lòng tôi buồn hiu hắt.

26.12.2015, tôi cùng gia đình về Việt Nam, đem theo trong hành lý hai món quà Đinh Cường gửi về cho Hoàng Kim Oanh và Elena Trương, mang theo trong lòng mình lời dặn dò của Đinh Cường: "Ông đi cuối tháng giêng về nhe, giữa tháng hai ông đi với tôi về triển lãm tranh ở Saigon đó".

 

Mười ngày sau, khi đang ở Saigon, tôi bàng hoàng nhận được tin Đinh Cường qua đời. Vậy là cái hẹn triển lãm tranh ở Vincom không làm được, vậy là khao khát có những buổi thảnh thơi ngồi quán cà phê nhìn qua nhà thờ Đức Bà không làm được, vậy là muốn "Tôi về đứng ngẩn ngơ" cũng không làm được... Tháng cuối năm giáp tết Nguyên Đán ở Saigon trời nắng như thiêu đốt, tôi đứng trên lầu cao nhìn dòng người như thác đổ di chuyển dưới đường mà mặt nhòe đi, thèm quá và nhớ quá cơn gió hắt hiu của khu rừng Natick. Anh Đinh Cường ơi , anh không về được Đơn Dương trước ngày vĩnh biệt thì tôi sẽ về, anh không về Lạc Lâm để "đứng ngẩn ngơ" thì tôi sẽ về, về như để nhớ đến anh, "người thi sĩ của hoài niệm."

Khoảng 15 năm trước, thời điểm những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khi đó Phở Xe Lửa còn sầm uất lắm, anh Nguyễn thế Toàn chủ nhân của Phở Xe Lửa với nụ cười ý nhị và sảng khoái đón bằng hữu khắp nơi ghé về ăn tô phở nhà thơm ngon và ly cà phê pha theo kiểu miền Nam Việt Nam đậm đặc. Cái bàn tròn nằm sát vách là nơi dành riêng cho các thân hữu, nơi bàn này, khách ghé tới là những người mà ông Toàn khẳng định là " bạn tôi" với giọng Thái Bình đặc sệt và kéo dài. Khách ghé đây có thể đã no bụng vì đã ăn món gì đó từ nơi khác, cũng có thể chẳng uống một ly cà phê nữa, nhưng vẫn được ông Toàn nồng nhiệt pha một ấm trà nóng thân thiện mời chào, khác hẳn với những thực khách khi vào ngồi ở các bàn khác, vào là phải kêu món ăn, phải gọi nước uống. Ở bàn này, tôi đã gặp gỡ với rất nhiều những tên tuổi văn học nghệ thuật từ khắp nước Mỹ ghé về vùng Hoa Thịnh Đốn .

Hầu như ai cũng nghĩ rằng về tới Hoa Thịnh Đốn mà chưa ghé lại Phở Xe Lửa thì chưa đủ. Không phải riêng nước Mỹ đâu, mà ở cái bàn này, tôi có dịp gặp rất nhiều tên tuổi từ Úc, Pháp, Hòa Lan, Đức, Bỉ , Đan Mạch và cả từ Việt Nam nữa. Chỗ ngồi đó là nơi gặp gỡ nhiều người, nhưng thường xuyên ghé tới mỗi ngày là bạn hữu trong vùng chúng tôi, bây giờ nhiều người không còn nữa như Giang Hữu Tuyên, Huyền Trân, Phan Nguyện, Ngô Mạnh Thu, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Xuân Hoàng, Quỳnh Dao, Lê Thiệp, Vũ Ánh...

Cũng từ góc bàn này, tôi nhìn thấy Đinh Cường lần đầu. Tranh và tên tuổi của Đinh Cường thì tôi nghe và yêu thích từ những năm còn ở tuổi mới lớn. Hồi đó, khi đang học những năm chót của bậc trung học, chúng tôi đã có nhiều lần bỏ lớp ra ngồi quán cà phê nghe nhạc Trịnh Công Sơn và chuyền tay nhau những tập nhạc hình vuông, nhạc Trịnh Công Sơn với tranh bìa và phụ bản của Đinh Cường.

Khi lớn hơn chút nữa, bước vào đời lính và làm thơ gửi đăng báo, có lần cả bọn ngồi với nhau và nói đùa rằng chẳng cần làm thơ hay, chỉ làm sao đạt được bốn điều sau đây thì sẽ nổi danh: có thơ in ra với An Tiêm xuất bản, Tạ Tỵ vẽ chân dung, Phạm Duy phổ nhạc và Đinh Cường vẽ bìa. Họa sĩ Đinh Cường mà tôi gặp ở Phở Xe Lửa hồi đó là một người ít nói, cũng không phải là người hay cười, nhưng nhìn là có cảm tình vì tia mắt thân thiện và khuôn mặt tươi tắn . Mỗi tuần anh đều ghé Phở Xe Lửa một vài lần, có khi là đến để hẹn gặp một ai đó, có khi đến để ăn một tô phở nóng và trò chuyện thân mật với mọi người. Thường thì anh đi với một người bạn: nhà văn Phạm Thành Châu. Phạm Thành Châu hay nói đùa rằng: “Người ta gọi Đinh Cường là Đại Họa Gia, và gọi tôi là Tiểu Thuyết Gia, cho nên gọi ngắn gọn thì đây là ông Đại và tôi là ông Tiểu”.

Năm 2004, tôi đự định in tập thơ đầu tay. Tôi nói với Giang Hữu Tuyên là tôi muốn có một bức tranh của Đinh Cường để làm bìa, và nhờ Tuyên nói với anh Cường giùm. Tuyên ngạc nhiên hỏi sao ông không xin anh Cường. Tôi nói mới quen, chưa đủ thân tình, tôi sợ anh Cường từ chối. Tuyên lắc đầuvà cho tôi biết rằng có những người làm thơ lạ hoắc từ tiểu bang khác mà Đinh Cường chưa hề quen, nhưng khi ngỏ ý xin bìa Đinh Cường đều giúp nhiệt tình. Đinh Cường là vậy, anh yêu quý và trân trọng tất cả những người hoạt động về nghệ thuật.

Dù Giang Hữu Tuyên nói vậy nhưng tôi vẫn không tự tin nên nhờ Tuyên đưa tôi đến nhà Đinh Cường.

Đúng như Giang Hữu Tuyên nói, Đinh Cường vui vẻ nhận lời và đưa tôi một loạt tranh mới vẽ để tôi chọn. Tập thơ của tôi có tựa đề là LỜI GHI TRÊN ĐÁ. Đinh Cường đưa tôi một nức tranh màu xám trông giống như một vách đá dựng với một mặt trời vỡ đôi và khuôn mặt người màu đen trầm mặc. Ông lấy màu xanh dương vẽ thêm như một dòng nước biển, rồi ký tên, ghi tặng tôi bức tranh. Khi đưa tôi và Tuyên xuống tầng hầm, Đinh Cường nhẹ nhàng chỉ vào những bức tranh treo trên vách: tấm này vẽ Trịnh Công Sơn hồi năm 68, tấm kia là Bùi Giáng hồi năm 70, tấm nọ

ký ức với Nguyễn Đức Sơn năm 73 đây là các số Sáng Tạo cũ, kia là

tập san Văn ... những lưu trữ và quẩn quanh trong đời sống thường nhật của Đinh Cường là những kỷ niệm, những tình thân nồng nàn ông giữ lại từ bằng hữu . Trong lúc tôi và Tuyên chăm chú xem từ cái này qua cái nọ, Đinh Cường đã ngồi xuống bàn và nhanh chóng phác thảo chân dung tôi. Cầm trên tay bức tranh làm bìa và bức phác thảo chân dung, tôi run người vì cảm động. Tôi hiểu tấm lòng của người họa sĩ tài ba và tôi hiểu thêm cách đối nhân xử thế rất tinh tế của một đàn anh trong văn nghệ.

Sau lần gặp gỡ này, tôi có nhiều dịp gặp anh nhiều hơn, khi thi cà phê Starbucks, khi thì đi ăn tối cùng nhau.

Đinh Cường là một họa sĩ nổi tiếng từ nửa thế kỷ nay. Tranh của anh có một phong cách riêng, sang trọng và huyền ảo, khồng cần có chữ ký người yêu tranh vẫn có thể nhận ra nét vẽ của Đinh Cường. Tôi rất thích nhận xét của Đỗ Xuân Tê về tranh Đinh Cường: "vẫn chiếc áo dài truyền thống décolleté, vẫn mái tóc nửa thề nửa thõng, ít khi cắt ngắn, vẫn đôi mắt hơi ướt đượm buồn, dù đứng, dù ngồi, dù nằm, dù tựa dù dựa vào nhau, trong quán cà phê hay ngoài công viên, bên bờ sông Hương hay trên sườn đồi Dran, giữa cảnh thu về miền Virginia hay cảnh tuyết rơi bên hồ vùng Đông Bắc, những phụ nữ trong từng tác phẩm vẫn thể hiện được những nét riêng mà tài tình ở chỗ qua ánh mắt, khóe miệng, vầng trán, ngấn cổ, vòng tay, bàn tay, ngón tay, bộ ngực, vòng vai tưởng chừng như cùng khuôn đúc nhưng vẫn tráng lên những nước men lạ làm cho người đàn bà trong tranh của Đinh Cường mang dấu ấn của một phụ nữ huyền thoại có thể là chỉ sáng tạo cho riêng anh mà sau này lại là của chung cho giới hâm mộ, nhưng độc đáo ở chỗ không ai có thể bắt chước trong sáng tác và cũng không thể lập lại hoàn toàn bắng chính tác giả trong những tác phẩm sau"

Từ vài năm nay Đinh Cường có thói quen ghi nhật ký thơ hằng ngày... Thật ra, anh làm thơ rất sớm - ngay từ đầu những nâm 60 anh đã có thơ đăng trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn

Không phải chỉ trong những trang nhật ký thơ mà Đinh Cường viết xuống mỗi ngày, mà ngay trong trò chuyện, lúc nào cũng là những cảm xúc nối tiếp nhau với một trí nhớ tuyệt vời. Lãng đãng trong Đinh Cường là những đồi thông bạt ngàn của Dran, Bảo Lộc với những khuôn mặt bạn bè và những kỷ niệm ở đó:

"luôn nhớ con đường chạy về Trại Hầm Trại Mát - Đa Thọ - Cầu Đất - Trạm Hành đến Dran, qua đèo Eo Gió xuống Sông Pha ôi một thời suốt đêm ngồi nghe gió hú suốt đêm chong ngọn đèn khuya vẽ cho tới sáng, thời ấy còn đâu sao chiều nay trong quán Le Blédo nhớ lại như Nữu nhớ thời nhà binh ở Ban Mê Thuột Phạm Cao Hoàng nhớ thời dạy Trạm Hành tôi nhớ Đơn Dương thời ham mê cô tịch

giữa núi rừng chỉ thấy trăng sao

chỉ có trăng sao là đáng kể, lấp lánh đôi mắt em"

(Chiều thứ bảy ở quán Le Blédo)

Dòng suy tưởng của Đinh Cường luôn luôn đưa anh về với ký ức, và là một ký ức thật đẹp, nối liền nhau từ hình ảnh này qua hình ảnh khác, từ đang ngồi vẽ một đàn chim bay, bất ngờ liên tưởng tới một người bạn cũ là Tô Mặc Giang, từ đó nhớ qua Diên Nghị, Kim Tuấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Trịnh Công Sơn, Tạ Tỵ, Huy Phương       

Đinh Cường có một trí nhớ rất đặc biệt. Anh nhớ từng chi tiết của những câu chuyện cũ cách đây cả nửa thế kỷ. Có lần, trên xe anh hỏi tôi có coi chương trình Thúy Nga mới không, tôi nói có. Đinh Cường cười và nói với tôi rằng ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói sai một chi tiết nghệ thuật: bức tranh "Chúng ta đi mang theo quê hương" là một bức tranh đẹp , từ tác phẩm tới cái tên, và sau này cái tên của bức tranh đó được sử dụng cho một chương trình ca nhạc, bức tranh đó không phải của Nguyễn Gia Trí như lời ông Ngạn nói , mà là của Phạm Tăng, vẽ và làm bìa cho số xuân nhật báo Tự Do xuất bản tại Saigon năm 1956.

Cái thú vị là những kỷ niệm nào của Đinh Cường cũng là những kỷ niệm đẹp, ngát thơm từ ký ức, là những chí tình bằng hữu cho nhau.

Tôi lên đến Đà Lạt lúc ba giờ khuya. Nghỉ tạm ngoài phố rồi sáng hôm sau ghé Nguyễn Dương Quang. Khi tôi đến, Nguyễn Dương Quang vừa ngủ dậy, ân cần mời vào nhà. Nguyễn Dương Quang có dáng dấp của một hào sĩ giang hồ một thời ngang dọc. Tôi gặp Nguyễn Dương Quang lần này là lần thứ ba nhưng biết về nhau thì nhiều lắm vì Quang là bạn thân của những người bạn thân của tôi. Nhớ đến Phạm Cao Hoàng khi nói về Nguyễn Dương Quang với bài thơ nổi tiếng "Đêm cuối năm viết cho Má" và mô tả đó là "một con người cương trực thẳng thắn, nhanh nhẹn, tháo vác, sống đàng hoàng, và đặc biệt chơi với bạn rất tốt".

Trò chuyện một lát, tôi cho Quang biết chỉ ghé thăm nhanh rồi tôi còn phải đi Đơn Dương.

-Đi Đơn Dương chi vậy, có người quen ở đó à?

-Không, chỉ là muốn đến thị trấn đó để nhớ về một người.

-Đinh Cường?

Tôi gật đầu. Quang cho biết thời gian Đinh Cường nằm xuống thì bên này ông cũng chịu một cái tang lớn, thân phụ của ông cũng vừa lìa trần Là con trai duy nhất của dòng họ, tang lễ lại làm từ miền quê xa nên vợ chồng ông chạy tới chạy lui đuối sức.

Khi đó, chị Thái Hồng từ trong bước ra chào hỏi, Tôi ồ lên vui vẻ, hỏi Nguyễn Dương Quang có phải đây là nguồn gốc của hai câu thơ:

"Vói tay cao hết sức mình

Níu cao nguyên xuống để nhìn thấy em." (1)

Quang cười, quay lại hỏi chị Hồng , "Anh Nữu muốn đi Đơn Dương thăm lại vùng đất thiêng của Đinh Cường, bà nghĩ coi chiều nay mình đi được không?" Chị Hồng cười, "Ông hỏi vậy là ông cũng muốn đi phải không? Ông muốn đi thì mình cùng đi."

Quyết định của Nguyễn Dương Quang làm tôi bất ngờ. Tới thăm Quang và gửi Quang mấy cuốn thơ mà ông mới in bên Mỹ là xong. Nhưng ngồi nói chuyện mới biết thêm cái giao tình của ông với Đinh Cường đằm thắm hơn nhiều. Tuyển tập về Dran "Tự Tình Cùng Sương Khói" mà Nguyễn Dương Quang và Nguyễn Sông Ba làm vừa rồi chính là thực hiện ao ước của Đinh Cường. Cho nên cái ý tưởng đi Đơn Dương như một cách tưởng nhớ tới Đinh Cường làm Quang quyết định tham gia chuyến đi. Quả là con người hào sảng, chí tình và hết lòng vì bạn. Người lái xe là con trai lớn của Nguyễn Dương Quang tên là Hòa. Hòa cao to, khuôn mặt góc cạnh và hiền , ít nói, nhưng cách cư xử tỏ ra người tế nhị, thương yêu Ba Mẹ và quý trọng bạn bè của Ba Mẹ. Hòa chọn một lộ trình đi và về không giống nhau, nhằm giúp người phương xa có dịp nhìn Đơn Dương từ nhiều phía. Cám ơn Hòa.

Đơn Dương với tôi chẳng những xa mà còn lạ nữa. Chưa bao giờ đến Đơn Dương dù nghe nói thật nhiều.

Đơn Dương có tên từ năm 1958 khi thành lập tỉnh Tuyên Đức nhưng nhiều người vẫn quen gọi theo tên cũ là Dran. Dran là một thị trấn nhỏ nằm ven hồ Đa Nhim. Khi xe chạy quanh co trên đèo từ Đà Lạt xuống, Hòa dừng lại và chỉ cho chúng tôi nhìn xuống thung lũng, nơi đó xanh ngắt mặt hồ Đa Nhim bên cạnh là những dãy nhà nằm uốn theo sườn đồi thoai thoải, phong cảnh như một bức tranh. Đẹp quá, chúng tôi xuống xe, đứng nhìn mê mải và nhớ:

Một mình ta và trời đất rộng Ôi chiều lạnh lùng chiều Đơn Dương Những trái su xanh trên giàn rẫy đó Hãy ngả mũ chào một bày két hoang (Đinh Cường - Cho những trái su xanh)

Nhìn Dran từ trên cao, nhìn mê đắm không muốn rời đi. Nguyễn Dương Quang nhắc tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm rồi đi, còn phải ghé qua Trạm Hành, Cầu Đất, Lạc Lâm, và cả con đường đi sâu vào Kado, nơi ngày xưa Đinh Cường và Trịnh Công Sơn một thời lang bạt. Chúng tôi lên xe chạy ngang qua nhà thờ Lạc Lâm. Dừng lại để nhìn thấy ngọn đồi phía sau nhà thờ, nơi dựng cây thánh giá trắng mà in dấu nhiều lần trong tranh Đinh Cường, và cả trong thơ Đinh Cường nữa:

Đêm trở lại Dran phố chợ lên đèn rừng thông đứng ngóng mây về che phủ ngang qua Lạc Lâm một thời rẫy bái đồi Golgotha thánh giá trắng trên cao tháng mười một gió từng cơn lạnh trời xanh đen ứng rạng mấy vì sao..

(Đinh Cường - Đêm trờ lại Dran)

Quang chỉ cho tôi một khu nhà làm bằng gỗ và nhắc:

Ví dụ tôi đến căn nhà gỗ thông

ở Lạc Lâm tìm dấu tich em

không thấy bình trà đất nâu

mấy ly vàng ố, cái tàn thuốc

lâu ngày không đổ...

Ví dụ tôi trở lại không còn giàn su xanh chiều Lạc lâm mưa buốt tháng mười hai.

Ví dụ tôi về đứng ngẩn ngơ mây núi buổi chiều bay xuống thấp mái tóc em khuôn mặt em buồn lâu rồi chưa về lại Đơn Dương.

(Đinh Cường - Bài nhớ Lạc Lâm )

Tôi bước xuống xe và đi lên đồi, Nguyễn Dương Quang nhẹ nhàng kể về cuốn sách vừa thực hiện, tuyển tập thơ văn Tự Tình cùng Sương Khói. Dran cách Đà lạt 36 km, một thị trấn quận lị nhỏ, núi bao quanh đầy sương và đẹp. hầu hết những người góp mặt trong tập sách này đều đã xa Dran....là những cảm xúc chân thật về một thời xa xưa của mình, một thời phủ quanh mình sương khói của Dran....(2)

Đúng vậy. Có người xa và nhớ về, rồi cũng sẽ về, nhưng cũng có những người xa Dran, nhớ về Dran mà mãi mãi chẳng thể trở về. Tuần này là cái thất thứ ba của người Họa Sĩ đã sống ở Dran một thời nhưng mang theo Dran suốt đời, đã biến sương khói nơi đây thành màu sắc bất tử trong tranh và thơ của ông.

Tôi nhìn qua thấy mắt của Nguyễn Dương Quang rơm rớm lệ và khoảng trời phía sau ông ta cũng nhạt nhòa sũng nước.

Vì sao nhớ hoài về Đơn Dương vì nơi ấy có phố rất buồn nơi ấy có nhà bưu điện nhỏ gửi bao nhiêu lá thư dễ thương....

Người ra gửi ấy nay không còn nữa còn nghe những tiếng hát muôn trùng còn đây xanh mướt rừng dương xỉ dưới trăng mờ ôi trăng Đơn Dương (Đinh Cường-Một lần về thăm lại nơi cũ)

Đứng ngơ ngẩn bên cạnh gốc thông già giữa núi đồi Dran, tôi gọi thầm tên người họa sĩ tài hoa ở rừng Natick. Không cần phải ví dụ nữa đâu anh Đinh Cường ơi! Tôi tin rằng từ nơi xa tít tắp đó anh đang về trên miếu mạo đình đài rêu phong của Huế, anh đang về với ngôi trường mái đỏ của Thủ Dầu Một, anh đang về quanh sân của nhà thờ màu hồng ở Tân Định và chắc chắn đang về với rừng thông ngút ngàn sương khói, với mặt hồ xanh ngắt Đa Nhim, về với giàn su xanh, về với bầy két hoang sau vườn nhà gỗ, về với cổng nhà nhà thờ có tháp cao Cầu Đất, về với nhà bưu điện dìu hiu Đơn Dương và về với muôn ngàn kỷ niệm bạn bè từng qua ở thị trấn Dran...

Mà có cần về nữa không khi toàn bộ núi đồi sương khói đó anh đã mang theo và thường xuyên thể hiện bằng trí nhớ trên biết bao tranh và thơ? Vĩnh biệt Đinh Cường là vĩnh biệt cái dáng đi chầm chậm và cặp mắt sáng ngời trên khuôn mặt hiền từ. Nhưng lại hiện thực trong tôi hình bóng một Đinh Cường của thời rực rỡ nhất khi sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, là hình ảnh cầm trên tay cái ống píp nhả khói vào không gian, là cái nón nỉ, khăn quàng sọc cam, có con két xanh, có hoa hồng đỏ, vầng trăng bạc trôi lênh đênh giữa núi đồi Dran. Nhắc lại mà sao thương nhớ quá!

Trời ngả về chiều, Chúng tôi còn nán lại uống tách cà phê trước chợ Dran. Anh Đinh Cường ơi! Từ núi đồi Dran tôi đang nhớ về anh và khu rừng Natick.

Tháng 2 /2016

(1)    Thơ Nguyễn Dương Quang.

(2)    Lời mở đầu tuyển tập Tự Tình Cùng Sương Khói

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...