Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

NGUYỄN MINH NỮU, THƯƠNG QUÁ SAIGON NGÀY TRỞ LẠI , BÚT KÝ 7


  

Thương quá Sài Gòn ngày trở lại

7.

 

Con đường nối từ khu trung tâm thành phố về miền tây đi theo mé sông, đoạn mở đầu ở quận Nhất tên là bến Vân Đồn, khi tới ngã ba đường Cộng Hòa, chợ Nancy thì đổi tên thành Bến Hàm Tử, sau đó tiếp tục chạy vào tới ngã ba Tổng Đốc Phương thì đổi thành Bến Lê Quang Liêm và chạy tới một ngã ba Kênh Tàu Hủ với rạch Lò Gốm là hết đường.

Bây giờ thì đường mở rộng và chạy thông suốt từ Hầm ngầm Thủ Thiêm vào tới gần xa cảng miền Tây gọi chung một tên là Xa Lộ Đông Tây.  Bản tin trên báo chí ghi là: "Với chiều dài 24 km qua địa bàn 8 quận huyện, đại lộ Đông Tây được đánh giá là con đường "dài 300 năm" bởi nó chạy suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn - Kênh Tàu Hủ chạy qua địa bàn các quận 5, 6 và 8, dự kiến ở đây sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại, vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn"

Thời đó, khi 18 tuổi tôi đã quen thuộc với con đường này, đạp xe đạp chạy luồn dưới chân cầu chữ Y và thong thả chạy về hướng Chợ Lớn, băng qua những địa danh nhà thương điên Chợ Quán, chợ Hòa Bình, rồi cầu Ba Cẳng, tới cầu Chà Và, rồi vào đường Lê Quang Liêm vắng vẻ chỉ toàn những dẫy nhà kho nối tiếp nhau, tới gần giữa đường thì là nhà Phùng Xuân Mai.


 

Phùng Xuân Mai là bạn cùng lớp. Mai mập mạp và chân chất. Gia đình Mai có bà nội, mẹ và hai đứa em trai: Hưng và Quý. Mẹ của Mai bị hỏng một con mắt, làm nghề bán tàu hũ chén. (Khác với tàu hũ miếng, gọi là Đậu Phụ). Gia đình Mai sống đạm bạc mà rất đầm ấm. Cái làm tôi ngạc nhiên nhất là ba của Mai có vợ bé, sống ngay trong con hẻm gần đó cùng với bà này và đứa con. Em cùng cha khác mẹ với Mai cũng có tuổi tác ngang ngang với tôi, nghĩa là không phải ông bỏ bà này lấy bà kia, mà song song cùng thời có hai dòng con. Còn bà nội của Mai thì sống với gia đình Mai. Tôi thường lên chơi và ngủ lại nhà Mai vào những ngày cuối tuần.

Nửa đêm tiếng động của nồi niêu vang lên, nhẹ khẽ, nhưng tôi vẫn bật dậy, ra sau bếp phụ với mẹ Mai nhóm bếp, xay đậu nành, bưng bê lặt vặt, và ngồi nhìn nồi đậu nành đến trời hưng hửng sáng là hoàn thành một nồi Tàu Hũ thơm phức trắng tinh.

Bà cụ thì lúi húi với chảo cơm rang, và thưởng cho tôi một chén thơm phức, sau đó quang gánh bắt đầu một ngày.

Mai dắt tôi đi chơi trong xóm, băng qua con hẻm nhỏ nối Lê Quang Liêm qua Phạm văn Chí, đi tới cuối đường là Hãng Rượu Bình Tây. Hãng Rượu Bình Tây do Tập Đoàn Société Française des Distilleries de l'Indochine (SFDIC) của Pháp khởi công xây dựng năm 1900 và đi vào hoạt động năm 1902, nằm trên một mảnh đất rất lớn, trong đó xây dựng nhiều tòa nhà kiên cố hai tầng kiểu Pháp, mỗi tòa nhà cách xa nhau, chung quanh là cây cỏ rộng rãi. Khi chúng tôi vào đó chơi là giữa năm 1968. Vừa qua tết Mậu Thân mấy tháng, nơi đây vẫn còn đầy dấu tích chiến tranh: Những tòa nhà loang lổ vết cháy, hoang phế, không người cư trú và làm việc, tường và mái ngói chỗ còn chỗ vỡ nát. Theo Hùng, người bạn học với Mai và là con của một nhân viên kỳ cựu trong hãng rượu được cấp một căn nhà trong đó, khi ấy đạn bay tứ phía không biết phe nào với phe nào, tòa nhà này bắn qua tòa nhà kia, cứ thấy cái gì di động là bắn, gia đình Hùng trốn dưới gầm giường, ba bốn ngày đầu còn có cơm, sau đó qua mì gói và kéo dài thêm là nhịn đói uống nước trừ bữa. Hùng kể về một nhân vật khá lạ, đó là một sinh viên đại học ở Saigon, lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi, tức là khoảng 19, 20. Anh ta bị thương ở cánh tay mặt, chân cũng bị thương nhưng nhẹ hơn, không còn cầm súng được, anh ta cố bò ra khỏi một tòa nhà đang là mục tiêu bị tấn công để trốn, bất ngờ sao lại lọt vào mảnh vườn sau lưng nhà Hùng. Má Hùng tìm thấy, rất sợ nhưng lại thương nên bà ráng kéo anh ta vào nhà, lấy khăn ướt lau chùi và băng bó lại. Cánh tay mặt thì hầu như gẫy nên quặt qua một bên, gia đình chỉ lấy vải cũ quấn lại để không lặc lìa chứ đâu có thuốc men gì. Hùng là người giúp anh ta trong việc ăn uống và vệ sinh. Trong thời gian ở đó, anh ta nói chuyện cho biết anh đang học năm thứ hai Đại Học Khoa Học Saigon. Và khi biết Hùng học trung học Hưng Đạo, anh ta cho biết trước đó cũng học trung học ở trường Hưng Đạo và hỏi thăm nhau biết thầy này, thầy nọ... Cả hai cùng mừng như gặp bạn cũ. Anh ta là học trò cưng và sau đó thành đồng chí với một Giáo Sư dậy Văn và có viết sách ở Saigon. Những bài thơ, truyện ngắn của ông thầy nhà văn đó đã là chất kích thích mạnh. Từ lòng kính thầy, qua yêu thương văn của thầy và sau đó gặp gỡ trở nên thân cận với thầy, anh ta đã bỏ nhà vào bưng và đây là chiến cuộc đầu tiên anh tham dự. Anh ta đọc cho Hùng nghe rất nhiều bài thơ của người thầy đó, và cả một số bài thơ của anh ta, nhưng Hùng không nhớ bài nào. Anh ta kể với Hùng là trong khi cố thủ ở một tòa nhà trong khu vực, anh ta đã dùng sơn đỏ viết lên tường những câu thơ của người thầy của mình. Được khoảng một tuần thì đồng đội tìm thấy và đưa anh ta đi. Khi chiến cuộc tan hẳn, khoảng nửa tháng sau, bất ngờ một người tới báo tin anh ta đã chết trong lúc di chuyển về căn cứ, vì họ tưởng gia đình Hùng là thân nhân của người quá cố.

 

Tôi có lên tòa nhà hoang phế mà Hùng nói và thấy trên vách bài thơ này viết tháu bằng sơn đỏ, như màu máu tươi:

 Có những thần linh,

cho đến trọn đời ta không được thấy

Có những con người

Cho đến trọn đời ta không được yêu

Như con sông kia

nước chảy mãi về đông

Ngọn nước suối chiều

Thấy những sườn non tươi tốt nhưng không bao giờ gần gũi

Hạnh phúc mơ hồ trong đôi tay chới với.

Cúi xuống dòng sông

ôm lấy trời xa

những gì yêu thương dưới đáy lòng ta

và niềm tin tưởng vô biên

đặt lên chót đỉnh.

 

Vị Giáo sư dậy Văn này lúc đó chúng tôi không biết là ai, nhưng sau này, có dịp đọc thì biết đó là một bài thơ lồng trong truyện ngắn Vàng Tháp Hời. Tác giả truyện này là tác giả nhiều tập truyện, trong đó có tập truyện Bút Máu mà ông ghi là:

"Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua vì mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi.  Làm cho thiếu nữ băn khoăn sầu muộn, làm cho thanh niên khinh bạc hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên nhân ái, kêu cho người ta tiếc tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đạo nghĩa của tha nhân, hát trên bi cảnh của đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo? Tội ác văn chương xưa nay nếu đem phân tích biết đâu chẳng dồn thành ngàn dãy Thiên Sơn! Thần tạng của cháu kinh động thất thường, nhưng mà bản chất huyền diệu có thể cảm ứng với cõi vô hình, chắc cháu làm điều tổn đức khá nặng nên máu oan mới đuổi theo như vậỵ Hãy xem có lỡ hứng bút đi lệch đường chăng? Soát lại cho mau, soát lại cho mau, chớ để chậm thêm ngày nào!

  

Lương Sinh nghe xong bồi hồi tấc dạ, trí tuệ xem như minh mẫn hơn nhiều, cơn bệnh do đó lui được khá xa. Sinh đem mấy tập thi tuyển của mình đọc lại từng câu, dò lại từng chữ, thấy toàn là ý bướm tình hoa, phát triển cảm xúc mà xao lãng trí tuệ, tán tụng thiên nhiên mà bỏ mất cảnh đời, trốn tránh thực tại, từ chối tương lai, nhưng nghĩ kỹ vẫn chưa dò được lối máu từ đâu. Bỗng sực nhớ đến những lời phóng bút viết cho quan Tổng trấn, không ghi lại trong thi tuyển, tâm não trở nên bàng hoàng. Ðồng thời bao nhiêu gương mặt hốc hác trong ngày hội chùa lại hiện rõ, mấy cánh đồng trơ trọi, những tiếng thì thầm hai bên kiệu hoa, vẻ người nhớn nhác sợ hãi, những đòn dây trói, mấy dãy nhà giam, lần lượt như sống lại trước mắt. Những cảnh ấy thật trái ngược với những bài tán, bài minh đã viết. Mồ hôi toát ra như tắm, Sinh đứng lên được, quyết định trở lại chốn cũ để tìm hiểu sự thật. "

 Người sinh viên chết trẻ đó tên là Lê Anh, trong tập giấy học trò anh ta bỏ quên lại tại nhà của Hùng, có viết thảo một vài đoạn thơ:

    Con lớn lên thấy đời bơ vơ quá

   Mẹ cha xa, thầy bạn cũng nghi ngờ

   Không chỗ nghỉ chân, không nơi nương tựa

   Đời con tha thẩn một mình cùng nỗi nhớ bao la…

   Vào lớp học mới thấy mình còn trẻ,

   Còn tự do thở hít những hơi tàn...

   Nếu đôi lúc nghe giảng bài con ngủ gục

   Hoặc reo hò như một chỗ không người

   Thầy tha thứ cho con đừng trách phạt

   Vì bây giờ không còn chỗ vui chơi

Mãi sau này, khoảng thời gian sau 1975, bất ngờ tôi đọc được bài thơ này trong một đặc san in ấn bằng kỹ thuật ronéo của sinh viên trường Đại Học Khoa Học xuất bản năm 1966. Bài thơ ký tên là LAX.

Thời gian 1970 ở Ban Mê Thuột, Phan Ni Tấn là một nhạc sĩ, có thời gian học Đại Học Khoa Học, Tấn phổ nhạc ba bài hát có chung tựa đề là Bài Ca Học Trò, từ thơ ba người: bài 1 phổ thơ Cao Huy Khanh, bài 2 chính là bài thơ này và bài thứ ba phổ thơ ND, ND là một bút danh về thơ của Phan Ni Tấn. Phan Ni Tấn là một nhạc sĩ có tài. Trước 1975, nhiều ca khúc của ông lưu truyền rộng rãi trong giới sinh viên học sinh. Sau 1975, trong những ngày sống chìm nổi và lang bạt ở Saigon, Tấn đã viết và hát cho bạn bè nghe nhiều ca khúc lạ, mang tính tự sự và rất xúc động. Tôi thích một bài Tấn viết và hát, mô tả chính mình một cách ấn tượng. Đó là bài "Bản Du Ca Cuối Cùng".

 Hãy im lặng, nghe Tấn dạo đàn và hát buồn bã:

"Tôi đến từ núi lạ,

hát mấy lời tăm tối,

mang dấu buồn trên dòng cuồng lưu"

 Một bài hát nữa cũng viết và hát cho bạn bè nghe trong thời gian đó là Hamlet.

Bài này lạ vì không phải viết về cuộc đời của chàng Hoàng Tử Hamlet trong truyện của William Shakespeare, mà là một bài thơ phổ nhạc. Bài thơ này do nhân vật Bác Sĩ Zhivago trong tiểu thuyết  Bác Sĩ Zhivago  của nhà văn Nga Boris Leonidovich Pasternak (1890–1960). Nhân vật Bác Sĩ Zhivago yêu cô gái Lara nhưng gặp nhiều trở lực, nên khi làm việc ở một miền đất xa, giữa cơn bão tuyết, ngồi thắp ngọn nến viết bài thơ Hamlet, không phải nói về Hamlet mà nói về nhân vật được giao nhiệm vụ đóng vai Hamlet trong một buổi trình diễn. Đời như một vở kịch buồn, không muốn làm cũng không được.

“Huyên náo lắng chìm, tôi bước lên sân khấu

Tựa lưng vào cánh gà, tôi cố lắng nghe

Một âm hưởng xa xa từ đâu vọng đến

Định mệnh nào đã dành sẵn cho tôi.

Ôi Allah, nếu có thể, xin cho tôi khỏi chén đắng cay này.

Ý Chúa chấp nhất, lòng riêng tôi vẫn thích, và bằng lòng thủ diễn vai này.”

 Tôi với Phan Ni Tấn quen biết nhau đã lâu, nếu nói vơ vào thì là bạn, nhưng thực sự do khoảng cách địa lý quá xa, ít thời gian gặp gỡ, và chưa bao giờ có dịp hai đứa ngồi riêng nói chuyện với nhau, nên cái hiểu biết về nhau rất hời hợt có chăng chỉ là bạn chung, nghĩa là nhiều người bạn của Tấn lại là bạn của tôi. Sau này, Phan Ni Tấn định cư tại Canada và hoạt động rất mạnh trong lãnh vực thi ca và âm nhạc. Từ khi chia tay với nhau một đêm ở nhà Bùi Công Bằng khoảng năm 1977, cho tới nay, chưa bao giờ gặp lại. (Ngoại trừ trên Facebook).

Lần trở về này, ghé lại nhà Phùng Xuân Mai, thì gia đình Mai đã dọn vào trong hẻm. Phùng Xuân Mai lên Phú Giáo - Bình Dương lập nghiệp, lấy vợ và định cư ở đó từ lâu. Mẹ của Mai đã mất, hai đứa em trai còn ở đó, nhưng thật đau lòng khi chỉ còn gặp vợ và con đứa em của Mai, Phùng Xuân Hưng cũng vừa mất. Thật xúc động khi chàng thanh niên con của Hưng ồ lên khi nghe tên của tôi, con biết bác, Bà Nội, Ba con và bác Mai nhắc tới bác hoài...

 

Nguyễn Minh Nữu

Tháng 2.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...