Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

NGUYỄN MINH NỮU, MỘT THOÁNG MÂY PHIÊU BẠC, TRUYỆN.


 

MỘT THOÁNG MÂY PHIÊU BẠC

Tết năm đó, Nhự không về thăm nhà. Lý do thật dễ hiểu là còn nhà đâu nữa mà thăm. Di cư vào Nam, mẹ Nhự mướn một căn nhà nhỏ trong khu xóm lầy lội ở Sài Gòn làm chỗ thờ bố Nhự, đó cũng là cái tổ ấm duy nhất của Nhự, trong suốt tuổi ấu thời. Nhự là con trai út, đứa con tội nghiệp nhất. Nhự mất cha từ hồi còn bốn tuổi, cũng cái tuổi này, Nhự mất cả quê hương. Các anh các chị lần lượt lấy vợ lấy chồng. Căn nhà quạnh hiu còn lại hai mẹ con, kế tới khi Nhự thi rớt, đi lính, đồn trú ở một tỉnh xa trên cao nguyên. Gần tết, nhận được thư nhà: “Đẻ đã trả lại nhà cho bà Tư. Bàn thờ thầy để trên anh Thạch, còn Đẻ thì nay đây mai đó cũng được, kỳ này giỗ thầy cứ Đẻ ở đâu thì cúng thầy ở đó, mâm xôi hay con gà thì dẫu Sài Gòn hay Đà Lạt cũng được. Tết này Đẻ chưa định ở Sài Gòn với anh Du hay lên Đà Lạt với anh Thạch, nhưng thôi, tết này mày đừng về nữa”. Nhự đọc thư mà muốn khóc. Mới đầu còn tưởng vì nhớ tới bà con xóm giềng, nhớ tới những con trai con gái đã cùng Nhự một thời lăn lộn trên đất, chơi đùa, đã cùng Nhự đánh đáo, u mọi, bắn bi, tạt lon. Nhớ tới sân cỏ, nhớ tới cây trứng cá, cái giếng. Nhưng càng ngày, Nhự càng cảm thấy một thất thoát khác, chua xót hơn, man mác mà giày vò Nhự từng ngày từng đêm từng sớm từng chiều. Đó là chỗ trở về.


Nhự bỗng giật mình khi nghĩ đến một bất ngờ nào đó, thí dụ Nhự tử trận. Xác Nhự sẽ đưa về đâu. Không lẽ đem về nhà anh rể? Không lẽ đem về nhà chị dâu? Hay nhẹ nhàng hơn, suốt một năm có dăm ba ngày phép Nhự cũng chưa nghĩ ra mình sẽ đi đâu. Về Sài Gòn thăm anh rể hay lên Đà Lạt thăm chị dâu? Nhự nghĩ hoài mà không có câu trả lời.

Nhự biết mình hơn ai hết. Nhự biết rằng với số tuổi mình, với kinh nghiệm mình có, hơn nữa với thế đứng bèo bọt nổi trôi này làm sao dám nghĩ đến căn nhà của riêng, làm sao dám nghĩ đến chuyện đón mẹ về ở. Giữa những thảng thốt đó, nhiều khi trong cơn mê nào không rõ giật mình thức dậy, bỗng thấy mình nước mắt đầm đìa.

Nhự vẫn nói với một vài thân hữu rằng không phải là đùa, cũng không phải là hứng bất tử, nhưng xin tụi mày hiểu cho những u uất không tiện nói ra và chấp nhận giúp cho tao một điều là nếu bất ngờ nào đó lỡ tao có chết, chỉ xin một điều là chết đâu chôn đó.

Cơn gió mùa lập đông trên cao nguyên lạnh se sắt da môi. Nhự bước ra ngoài nhìn bao quát chung quanh cái sân Tiểu đoàn rộng mênh mông. Buổi chiều, nắng sắp tắt, doanh trại buồn thiu. Tiểu đoàn hành quân đã ba lần tiếp tế. Ba lần tiếp tế là chín ngày, cộng năm ngày trên lưng là mười bốn ngày. Mười bốn ngày Nhự sống như một cái bóng. Cái bóng mờ nhạt của chuỗi ngày tác chiến cũ. Đó là thời của kiêu hùng chữ nghĩa, của hào khí men rượu, của hai mươi tám trên ba mươi ngày một tháng trong rừng. Khi đó, Nhự làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội tác chiến sống lay lắt bên bờ rào các buôn ấp xa. Thường khi dành cho những bi- đông rượu đế, cho những con khô mực bằng ba ngón tay. Thường khi quay quắt, suốt ngày cho những nét bút chì xanh đỏ trên chiếc bản đồ xa lạ. Những nét bút ngắn mà đi suốt một ngày không tới. Cũng đôi khi, có khi được nằm một chỗ. Buồn bã suốt ngày, bất chợt bừng mắt dậy nghĩ ngợi vu vơ. Nhự muốn lấy vợ, muốn đào ngũ, muốn khóc. Nhưng rồi cũng quên đi khi nghĩ rằng đào ngũ là trốn tránh trách nhiệm, khóc hay cười cũng chẳng giải quyết được gì, và lấy vợ, lấy vợ cũng tựa hồ như đeo thêm trên lưng một cái ba-lô nữa, cái ba-lô quá nặng.

Đến khi đi hành quân ở Daksieng, Nhự bị sốt rét. Điều trị tại bệnh xá hành quân ba ngày, quá nặng phải chuyển về hậu cứ. Tại đây Nhự nằm thêm mười tám ngày nữa. Những con vi trùng sốt rét đã cho Nhự một thân thể xanh xao, thiếu máu. Nhưng bù lại đã tặng cho Nhự một món quà khá hấp dẫn hơn là làm việc tại hậu cứ, trong một công tác chưa bao giờ được ghi trong bảng cấp số. Sau khi xuất bệnh xá trở về trình diện Tiểu đoàn, Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng hỏi Nhự trước khi đi lính cậu làm gì? Nhự nói và ông ta muốn xem giấy tờ chứng minh học lực. Nhự ngạc nhiên nhưng vẫn đưa. Sau đó, những tờ giấy đã trói cuộc đời Nhự vào những vòng quay khốn khó của cuộc sống, thì cũng chính nó được sử dụng để kèm bốn đứa con ông Tiểu đoàn trưởng.

– Đây là một công việc nhàn nhã, tôi sẽ chỉ thị cho ông Chỉ huy Hậu cứ để cậu khỏi canh gác và cấp cho cậu một căn phòng riêng.

Nhự cảm ơn và bắt đầu dạy. Bốn đứa con ông Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng là bốn trình độ, bốn vẻ ngỗ nghịch khác nhau. Nhự là ông thầy tội nghiệp. Nhiều khi Nhự đã biến thành một trò chơi đầy thú vị của đám trẻ. Nhự không vừa ý chút nào về thế đứng cũ và cũng không hài lòng chút nào về vị thế mới. Nhưng Nhự tin mãnh liệt rằng cái chỗ đứng mình mong mỏi từ bấy lâu nay sắp tới. Đó là ngày nào cởi bỏ bộ đồ lính lại cho chính phủ, trở về vùng đèo heo hút gió nào đó khai khẩn dăm ba chục thước đất trồng rau nuôi gà sống cuộc đời bình dị. Nhự chỉ thấy mình được như vậy trong những cơn mơ. Nhưng cơn mơ đó chỉ có sau một ngày băng rừng lội suối.

Nhiều khi, Nhự cũng tự hỏi mình đang sống làm gì đây cái chuỗi ngày nhọc nhằn khốn đốn bất biến này. Sống cô đơn và bi thảm như một con chó đói. Bất ngờ sao, Nhự quen Thúy. Đó là cô giáο trường tiểu học tư rất tầm thường. Sau một vài lần gặp mặt Nhự đường đột tỏ tình, Thúy rất bất ngờ khi chấp nhận tình yêu này. Thúy mời Nhự lại nhà chơi cùng tiện dịp giới thiệu cùng gia đình. Nhự hoan hỉ nhận lời nhưng không tới được vì lệnh hành quân quá đỗi bất ngờ. Nửa tháng sau, trở về thành phố, Nhự bất kể dù còn rất dơ dáy, bất kể bụi bặm bám đầy mình, Nhự cũng chạy đến Thúy ngay, xin lỗi về chuyện hôm trước. Thúy không trách móc, chỉ kín đáo cho Nhự biết hôm đó ngoài gia đình, Thúy còn mời thêm một số bạn nữa. Nhự rất ân hận và xin chuộc tội bằng cách sẽ đến đón Thúy đi chơi vào tối hôm đó, sau khi tắm rửa và thay quần áo xong. Tối đó, Nhự không tới vì cơn say đã hạ chàng tại ngay trước cửa phòng chàng. Nhự mắc cỡ hết sức và toan sẽ không ra nhà Thúy nữa. Nhưng Thúy là mẫu người dịu dàng. Thúy nói Thúy thương Nhự nhiều hơn yêu Nhự và bày tỏ một cách bóng bẩy rằng sẽ chờ Nhự, nếu Nhự nghĩ đến chuyện lâu dài. Nhự xúc động tới muốn khóc. Không phải tại vì mới trải qua tình yêu đầu đời mà vì cảm thấy như mình trở lại tuổi bé thơ, sống tự nhiên và thanh thản bên người chị đôn hậu khoan dung. Nhự cũng không phải là người mơ mộng để tưởng mình là ông hoàng con đi chơi gặp công chúa trong rừng. Nhự cho rằng chàng đã tới tuổi nói thẳng với Thúy gia đình anh nghèo, rất nghèo. Anh chỉ có tình yêu cho em mà không còn một đảm bảo nào. Nhự cũng không giấu Thúy chuyện nhà, không giấu cả những xích mích nhỏ giữa chàng và gia đình. Khi Nhự nói, Nhự đã tính hoặc là sẽ yêu nhau hơn, hoặc là sẽ rời xa. Vậy mà Thúy vẫn yêu Nhự. Thúy nói anh làm em yêu anh hơn, yêu vì sự thành thật và cũng vì sự bất hạnh mà anh đã, đành phải gánh chịu.

Thúy quả là một bà tiên đầy quyền phép. Vòng đai quyền lực của Thúy với Nhự mới đầu chỉ như sợi tơ, dần dần đã nương vào sự vô tình của Nhự, vòng đai trói buộc Nhự mỗi lúc một chặt. Nhự vẫn tự nhủ lòng mình giữa trăm vạn vòng đai trá ngụy của đời sống, chẳng thà chàng chọn vòng đai này.

Người lính bước tới từ dãy nhà đặt làm văn phòng, nhìn Nhự cười.

- Không đi phố à?

- Hết tiền.

Người lính cười khan ờ ờ rồi ngồi xuống thềm xi-măng, bảo Nhự ngồi xuống đây chơi. Mấy cây khuynh diệp gió thổi lá rơi ào ào, Nhự lượm cành khuynh diệp phủi thềm, ngồi xuống.

– Ông bao nhiêu tuổi rồi hả?

- Hai mươi hai.

- Tuổi con cọp hả?

– Không, con trâu.

- Sao hai mươi hai?

– Bị cuối năm ta, đầu năm tây.

Người lính gục gặc vậy ông thua tui mười hai tuổi. Nhự móc gói thuốc.

– Vậy sao? Vậy mời ông anh điếu thuốc.

– Thôi, cái thứ này hành quân hút sướng hơn. Về đây phải hút thuốc thơm, nhả khói cho khoái lỗ mũi. Có Ruby nè, hút không?

Nhự cảm ơn không nhận, táy máy lại lượm hòn sỏi liệng ra sân. Đàn sẻ có cớ lượn lên cao bay vòng rồi lại tụ họp trên nóc một mái nhà: Nhà Vĩnh Biệt. Mắt Nhự cũng hoa lên và thấy đàn chim biến thành đàn quạ. Đàn quạ trên nóc nhà mồ.

– Bao giờ lấy vợ, ông?

– Lấy vợ? Chi vậy?

Người lính nhún vai, - để nó nấu cơm cho ăn, giặt đồ cho bận và chết có người khóc.

- Chắc không?

- Sao không?

Nhự bật cười lớn:

 - Dóc tổ cha ơi, ăn cơm nhà bàn, bỏ đồ giặt mướn không hơn sao?

- Mình cần là cần có người thương kia chớ, chết có người thương khóc.

– Không tin, hay là có đứa cười?

 – Chồng chết mà cười, sao cười?

– Mình chết rồi, tiền ta người lấy, ruộng ta người cày, vợ ta người cuỗm không phải là nó cười sao?

Người lính cười theo rồi đứng dậy, ông nói chi bá láp không, thôi tui về.

- Ủa về sao?

Người lính quay lại nhìn Nhự nheo mắt cười, bỏ ra ngoài cửa trại. Nhự còn ngồi nán lại bên doanh trại buồn thiu. Heo hút mà mong được một chỗ trở về. Chỗ trở về dầu được ăn cơm uống nước hàng ngày hay chỉ là chỗ trở về khi vĩnh cửu, khi thịt nát xương tan.

 


Chiều hai mươi sáu tết, bà Tiểu đoàn trưởng gọi Nhự vào hỏi chú có muốn về thăm nhà và ăn tết thì tôi bảo ông Chỉ huy Hậu cứ cho chú mấy ngày.

Đây là một đặc ân lớn cho những người tác chiến, Nhự không khỏi thấy cảm ơn sự đãi ngộ của bà Tiểu đoàn trưởng.

Nhự mang mang nghĩ tới mẹ, nghĩ tới các anh các chị, nghĩ đến ngày mai ngày giỗ cha, nghĩ tới danh từ chú dành cho các người có chức vụ gọi kẻ thuộc quyền như chú bồi chú bếp, chú tài xế, chú thầy giáo. Bất ngờ Nhự từ chối.

– Chú điên à? Bà Tiểu đoàn trưởng kêu lên.

– Thưa không, rồi Nhự trả lời vắn tắt và viện dẫn vài lý do tưởng tượng như muốn thử ăn tết xứ lạ một lần xem sao, như thấy thích thành phố này, như mới đi phép. Bà Tiểu đoàn trưởng bĩu môi, ờ cái đó tùy chú, nhưng tôi nói trước, không vui đâu.

Nhự cảm ơn, ra ngoài. Hôm đó dạy tụi nhỏ bài đức dục, Nhự muốn khóc khi giảng câu “Phải yêu thương và kính mến cha mẹ, sống thì thăm hỏi chết thì cúng giỗ”. Đến tám giờ, chiếc đồng hồ treo tường gõ một tràng dài những tiếng động khô. Nhự đứng dậy bảo tụi nhỏ dẹp tập. Tụi nhỏ ồn ào mai có học không chú?

- Sao không?

- Mốt?

– Có.

- Vậy ba mươi, mồng một?

– Có.

Nhự cười chua chát tiếp, lính tráng mà, đâu có thằng lính nào nghỉ ngày tết đâu. Nhự nhìn đám nhỏ đang ngơ ngác rồi bật cười, nói vậy chớ mai nữa rồi nghỉ. Đám trẻ reo vui trong khi Nhự dời nhà ra lộ đón xe đi phố. Đến Thúy khi Thúy đang làm mứt. Gọi Thúy ra một góc vườn, Mai em đi chợ mua cho anh một thẻ hương, hai ngọn nến và nải chuối. Đem vào trại cho anh vào buổi sáng.

– Chi vậy?

- Em sẽ biết sau.

Đêm đó, Nhự, thức đến khuya thu xếp tất cả những thứ gì lộn xộn vào cái va-ly. Cái bàn ọp ẹp bằng gỗ pháo binh được lau chùi lại, và kê vào chỗ trang trọng nhất trong phòng. Trải bàn bằng tờ nhật báo. Nhự tìm trong ví tấm ảnh nhàu nát của người cha già, dán trên bìa sau tấm lịch, rồi treo lên. Cái ly cũng được lau chùi đựng gạo để cắm nhang. Khi ngủ, Nhự nằm mơ thấy mình đi trên những con đường ngút ngàn, vừa đi vừa té mà đi hoài không tới. Hình như hai bên bờ mọc toàn cây khuynh diệp, những cây khuynh diệp lá sắc như dao, những con dao làm Nhự trầy da xước máu tay chân. Nhự mơ hồ thấy có đi ngang sông, có đi ngang đèo mà không rõ mình định đi đâu.

Thức dậy, Thúy đến, nụ cười đầu ngày rạng rỡ. Nhự mở cửa phòng nói với Thúy đây là lần giỗ thứ mười bảy của thầy anh, và là lần đầu tiên đứa con trai út giỗ bố. Nhự mang mang nghĩ đến mẹ. Người đàn bà gian khổ đó bây giờ ở một phương trời nào đó hẳn vừa cúng xong tuần nước trà đầu tiên. Thúy hỏi sao mắt anh đỏ vậy? Nhự giật mình.

- Em vào đây.

Nhự lục giỏ ra nải chuối, hai ngọn nến và thẻ hương. Bày trên bàn thờ. Nhự chỉ biết lễ mà không biết khấn. Rồi quay lại Thúy.

- Lần đầu tiên trong đời anh tự tổ chức một bàn thờ, lần đầu tiên anh giỗ cha, vui sao lại có em.

Nhự xúc động cứng lời. Khựng lại rồi hôn Thúy. Nụ hôn kéo dài như hứa hẹn mai sau. Mai sau thì vốn mịt mùng sương khói. Tới khi có bước chân người tới Thúy mới đẩy Nhự ra, bỏ xuống dưới nhà. Viên sĩ quan bước vào phòng.

– Làm gì đó mày?

Nhự lắc đầu không nói. Viên sĩ quan bước tới gần. Con Cá nào khá quá vậy mày?

- Không.

– Không C. Tính xài riêng sao? Cho anh em ké với chớ?

- Χin lỗi Thiếu úy, tôi nόi chuyện νới Thiếu úy đàng hoàng mà Thiếu úy mày tao với ai? và Thiếu úy nói C. với ai?

Cơn nóng làm Nhự đứng dậy: “Tôi cấm Thiếu úy xưng hô mày tao với tôi, nếu không tôi sẽ dùng danh từ này với Thiếu úy”.

Thúy cũng vừa chạy lên gì đó anh. Viên sĩ quan trố mắt nhìn Thúy bất chợt quay lại Nhự.

– Yêu cầu anh nói chuyện nhã nhặn lại. Tôi là Sĩ quan An ninh của Tiểu đoàn này. Ai cho phép anh đem gái vào trại? Tôi đủ quyền hạn giam anh vào chuồng cọp. Cái dành cho hạ sĩ quan νô lễ.

Nhự cười nhạt.

- Tôi chờ hình phạt của Thiếu úy, và chờ nghe quyết định của Thiếu tá về trường hợp một sĩ quan có lối nói nham nhở mất dạy với vợ lính như Thiếu úy.

Viên sĩ quan bỏ ra ngoài, mặt hầm hầm, tao sẽ trình Thiếu tá vụ này. Đ.m, đừng có cậy thế. Nhự nói vọng theo thưa Thiếu úy tôi chờ.

Những ngày sau đó Nhự luôn bị sự dòm ngó và trả thù nhỏ mọn của Sĩ quan an ninh. Kẹt cho hắn là Nhự tuy trẻ nhưng không phải thuộc loại ham chơi cà chớn. Hơn nữa, Nhự lại là nhân viên riêng và tín cẩn của ông Tiểu đoàn trưởng. Mà những kẻ hà hiếp cấp dưới lại là những kẻ khiếp hãi cấp trên. Sáng mồng một, Tiểu đoàn tập họp nghe thông điệp của vị nguyên thủ quốc gia và nhật lệnh đơn vị trưởng. Tiểu đoàn cấm trại và ứng chiến cho thị xã, ông Tiểu đoàn trưởng nhấn mạnh, tập họp bất thần vắng mặt sẽ bị nghiêm phạt. Trừ ông Trung Sĩ Nhự có công tác riêng. Nhự được mời về nhà ông Tiểu đoàn trưởng “ăn tết với các cháu cho vui”. Nhự thầm cám ơn sự trọng đãi của ông Tiểu đoàn trưởng cho Nhự - kẻ bất đắc chí về học vấn đã phùng thời về cái mình hèn kém – Nhưng lễ phép từ chối sau khi theo xe của ông ta ra nhà chúc tết. Nhự mừng tuổi bốn đứa nhỏ mỗi đứa một tờ hai chục mới tinh. Nhự cũng được vợ chồng Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng lì xì khá trọng hậu so với số tiền Nhự mừng tuổi tụi nhỏ. Nhự dự tính sẽ mua cho Thúy một món quà, thật ngạc nhiên vào dịp đầu năm mới.

Nhự bỗng bàng hoàng thức dậy vì những tiếng la lớn quanh mình. Bóng tối kín như bưng. Có tiếng la lớn pháo kích, pháo kích. Nhự xô đống chăn màn qua một phía, chụp vội khẩu súng bước ra cửa. Tiếng nổ lớn đập mạnh vào tai. Nhự ù tai và té xuống.

Khi tỉnh dậy thấy chân tay mình trắng xóa. Cuối giường đứa con gái đang ngồi gọt trái cam.

– Thúy.

Thúy quay lại nhìn Nhự mỉm cười, tỉnh rồi hả?

Nhự cử động thử tay chân và nhắm mắt coi mình đau đớn ở đâu, chỉ thấy rêm rêm nhức nhức ở bắp đùi bên trái.

– Anh sao đó Thúy?

– Mảnh đạn vào đùi và trầy trụa sơ sơ.

– Nặng không?

- Năm mươi hai ký. Thúy cười, anh bị xoàng thôi mà làm em hết hồn.

- Hết hồn sao?

– Anh Dị ra báo tin anh bị pháo kích nằm Quân Y Viện. Mợ bảo em vào xem ngay. Sợ anh có bề gì.

Sự tỉnh táo và không quá đau nhức cho Nhự biết tình trạng mình không nguy hiểm. Có lẽ chàng bị bất tỉnh vì đứng quá gần chỗ viên đạn rơi xuống. Bất tỉnh vì tiếng động mạnh.

– Anh đưa cho em cái địa chỉ để đánh điện về nhà cho… bác lên thăm.

Nhự lúng búng miếng cam trong miệng im lặng, và lắc đầu:

– Không biết chỗ nào mẹ ở mà đánh điện về.

– Anh không có chỗ nào để trở về sao?

Nhự nuốt chửng miếng cam, lắc đầu.

– Ờ, mà có chứ.

- Đâu?

- Ở một khu vườn có trồng trăm thứ cây ăn trái, có hồ nuôi cá, có thân yêu, có ruột thịt, có tất cả những gì trên đời người ta cho là hạnh phúc. Với chuỗi ngày chỉ có hưởng nhàn, có sách, có kẻ lông mày cho ái thê. Là em đó, Thúy.

Nhự chống tay lên giường ngồi dậy. Toan choàng vai Thúy. Bỗng vết thương nhói đau làm chàng ngã xuống lại và lịm đi. Trong tiếng khóc của Thúy, Nhự mơ hồ thấy những đợt sóng biển, những dợn mây bay, thấy yêu dấu, thấy hạnh phúc. Thấy trong tầm tay của mình cả mảnh đất trở về. Chỗ trở về mơ ước, cầu khấn hoài hoài trên cái đất lạ quê người mà Nhự trôi giạt bấy lâu nay.

 

 (MỘT THOÁNG MÂY PHIÊU BẠC là truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Minh Nữu, đăng trên tạp chí VĂN – Sài Gòn, 1971)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...