MỘT
CÕI NHÂN SINH TRONG VĂN ĐOÀN VĂN KHÁNH
Ám
Ảnh Đơn Thân có 22 bài viết ghi chung Truyện và bút ký là tác phẩm thứ tư của
Đoàn Văn Khánh sau ba tập thơ Sáng Muôn Trăng (Nhà xuất bản Văn Nghệ 2005),
Hành Hương (nhà xuất bản Con Người 2008), Khuya Thắp Nắng (nhà xuất bản Hội Nhà
Văn 2013). Ông trong ban biên tập tập san sáng tác - tư liệu - nghiên cứu văn học
Quán Văn. Thơ của Đoàn Văn Khánh được ghi nhận và giới thiệu trong 5 bộ sưu tập
Văn Học gồm có : Thơ Miền Nam Thời Chiến , do Thư Ân Quán xuất bản năm 2006, Bộ
Văn Học Miền Nam 1954-1975 do Nguyễn Vy Khanh thực hiện năm 2016, Bộ sưu tập
Thơ Việt Đầu Thế Kỷ 21 do Nhân Ảnh xuất bản 2018, Tác Giả Việt Nam do Lê Bảo
Hoàng sưu tập năm 2018 và bộ 44 năm Văn Học VN Hải Ngoại do Khánh Trường, Luân
Hoán và Nguyễn Vy Khanh thực hiện năm 2019.
Là
một người làm thơ đã thành danh từ bấy lâu nay, cho nên tập truyện ký này là một
thể hiện mới lạ mà tác giả dành cho giới thưởng ngoạn nhiều điều thú vị.
Có
một trùng hợp không hẹn, là hai người bạn cầm bút chơi với nhau từ 50 năm về
trước, cùng cầm bút và cùng nổi tiếng về thơ dù ở xa nhau nửa vòng trái đất là
Phan Ni Tấn và Đoàn Văn Khánh, sau bao nhiêu năm làm thơ và xuất bản thơ, bỗng
đột ngột đầu năm 2019 cùng xuất bản hai tập truyện đầu tay. Phan Ni Tấn ở
Canada xuất bản tập truyện ký Có Một Thời ở Quê Hương Tôi và Đoàn Văn Khánh ở
Việt Nam xuất bản tập truyện ký Ám Ảnh Đơn Thân.
Là
Truyện hay là Ký nó khác nhau ở chỗ Ký thì ghi lại người thật việc thật, còn
truyện thì nhân vật chủ thể vắng mặt, chỉ là những danh xưng đưa ra, cảm nhận từ
những mảnh của đời thường mà tác giả nhìn thấy, tham dự hoặc xúc cảm sâu xa
nhưng được xóa mờ những nhận xét chủ quan. Cho nên dẫu cố phân biệt rạch ròi giữa
truyện và ký, nhưng toàn tập hầu như hòa lẫn những Ký ghi lại như một truyện và
rất nhiều truyện lại rất gần với Ký. Cái nhất quán toàn bộ của tập là cái tâm
an bình, dung dị và bao dung của một người thõng tay vào chợ, nhìn nhớ lại những
sự việc đã qua như những lớp sóng, những cơn bão, dẫu cuồng nộ cách mấy rồi
cũng làm chúng ta QUEN ĐI, rồi sẽ QUA ĐI và chắc chắn sóng đời sẽ làm chúng ta
QUÊN ĐI.
Từ
22 bài viết, tác giả đưa chúng ta đi gặp rất nhiều những mảnh đời bão tố, rất
nhiều những cuộc tình xót xa, và tất nhiên, từ đó giới thiệu đến chúng ta những
con người. Những con người đứng từ góc độ riêng để biểu lộ hành vi và suy nghĩ
rất người, nhưng như họ đã sống, đã vươn lên từ số phận,
Từ
một cô nữ sinh trong trắng ở năm cuối Trung Học, mối tình vu vơ chưa có cái nắm
tay, rồi nhân vật Trân thành một người phụ nữ bươn chải gió sương, có con mà chẳng
có chồng, Nhìn thấu suốt một đời để hiểu lẽ nhân sinh trong truyện ngắn Qua Cửa
Thần Phù: Tác giả đã thong thả kể lại suốt năm mươi năm của một con người trôi
qua biến động của cuộc sống, chịu đựng đắng cay, chia lìa, bằng một văn phong
nhẹ nhàng như kể chuyện, rất ngắn và rất gọn nhưng đủ để người đọc hiểu và thấm
thía ý nghĩa một đời người:
.
Dòng thời gian lặng lẽ trôi, nhanh đến không ngờ. Một thoáng nhìn lại đời đã
xanh rêu. Dáng mẹ hao gầy còm cỏi vẫn không quản ngại, vẫn tất tả cưu mang hết
con đến cháu; người cha già trầm ngâm bên chiếc điếu bát, nhả từng bụm khói
mong manh lên trời, ly rượu trắng sóng sánh cùng cốc chè xanh, hết vơi lại đầy
rồi lại vơi - thi thoảng chép miệng thở dài não nuột trong những lúc cuối đời...
là hình ảnh thường hay lắng đọng trong đáy hồn khô khốc của Trân mỗi khi quay về
ký ức. Niềm an ủi, hạnh phúc của nàng nay gói ghém nơi cô con gái vừa bước chân
vào ngưỡng cửa đại học, Châu sẽ thay mẹ thực hiện hoài bão năm xưa. Làm gì có đấng
Hóa công quyền phép an bài cho từng kiếp nhân sinh. Mỗi người tự mình sắp xếp,
nhào nặn, xác lập định mệnh cho mình qua mối quan hệ duyên - nghiệp đơn giản mà
nhiệm mầu vô cùng đấy thôi. Đời sống phải chăng như bơi thuyền lênh đênh qua cửa
Thần Phù / khéo tu thời nổi, vụng tu thời chìm.”
Ở
truyện ngắn Chú Dziên, Tôi đọc và tôi khóc. Tôi quen với Khánh từ thời thiếu
niên, Khánh ít nói, sống nhiều vào nội tâm, và thường là người chịu đựng thiệt
thòi để mọi chuyện êm đẹp. Tôi cũng đã từng gặp nhân vật mà truyện đặt tên là
chú Dziên, và cả những nhân vật sử dụng Chú Dziên trục lợi, biến chú Dziên từ
con người thành con thú:
“Chị
Thanh sai gã chủ nhà tắm rửa cho chú Dziên. Gã kéo vòi nước bơm từ con kênh đào
lên, xịt tới tấp vào cũi cho trôi hết nước tiểu, phân tro lợn cợn lênh láng
trong đó. Nước bắn tung tóe. Chú Dziên lạnh cóng la hét toáng. Quá bất nhẫn,
Tâm cản lại bắt phải đun nước nóng rồi đích thân anh vừa chuyện trò vừa vỗ về tắm
rửa kỳ cọ cho chú. Chú đã hết sợ hãi và có vẻ thích thú. Anh lau khô người, cho
chú mặc bộ pyjama mới và dắt chú ra ghế ngồi bên chị Thành. Chú vùng vằng ra vẻ
không bằng lòng chen vào ngồi với Tâm. Chị Thanh cười mà nước mắt ràn rụa”
Và
còn ghê tởm hơn những con người nói những lời nhân nghĩa nhưng lòng dạ xấu xa,
lợi dụng thời cơ để tìm lợi ích và làm tổn thương nhiều người. Thực ra, loại người
này không phải hiếm trong một xã hội, nhưng qua Chú Dziên chúng ta nhìn thấy được
cả một mảnh đời nhiều bất hạnh:
“Buổi
tối nhà đám, người chết nằm cứng đơ, mặt phủ tấm vải điều chờ liệm, con cháu
thân thích không có ai. Bu ồn đứt ruột là mỗi khi có tiếng con thằn lằn tắc lưỡi
trên trần, con cú kêu sương ngoài ngõ. Tâm nhờ vợ con đơm bát cơm quả trứng,
vót đôi đũa hoa và đặt bát hương mới cho khói tỏa nghi ngút mong ấm hồn người
quá vãng. Lại mua con gà nấu nồi cháo, thêm ít bánh trái rủ bọn thiếu niên xóm
tới thức cùng cho bớt quạnh hiu. Ngày hôm sau chị Thanh đáp chuyến bay thẳng từ
Tokyo về Sài Gòn. Đến nơi, nghe bà con chòm xóm kể chuyện, so sánh cách chăm
sóc thiếu trách nhiệm của vợ hai Cao, một trời một vực với hồi chú Dziên ở cùng
gia đình Tâm, lại nhìn quanh chỉ thấy gia đình Tâm chứ vắng bặt bóng dáng vợ chồng
Cao, chị Thanh đã hiểu ra cớ sự. Chị đấm ngực vật vã:
-
Chị hại cậu rồi Dziên ơi! Thằng Cao giết em tôi...”
Ám
Ảnh Đơn Thân là truyện ngắn được sử dụng là tiêu đề chung cho toàn tập, là một
truyện nhiều... ám ảnh. Nhân vật Nam và nhân vật Nữ trong một chuyện tình cứ tưởng
là trắc trở lại như thể thuận duyên, Cứ tưởng thuận duyên thì lại là trắc trở,
ôm giữ trong lòng một quá khứ không vui, chọn lựa nhau như chọn lựa một lối
thoát cô quạnh để rồi ám ảnh chuyện xưa trở thành cô quạnh nhiều hơn. Đây là một
truyện ngắn hay. Tôi nghĩ như vậy bởi vì bút pháp trong chuyện có nhiều đoạn
như thơ, tâm lý nhân vật được diễn tả chân thực rất người, và đó chính là tài
năng của ngòi bút thuần thục cộng thêm kinh nghiệm trải đời của Đoàn Văn Khánh.
“
Nàng đang bị phân làm hai. Nửa nền nếp chính chuyên nửa bản năng khao khát...
Chúng giằng xé, tương tranh một mất một còn”.
Hay
là :” Loan tắt nguồn điện thoại để chỉ sống cho riêng mình suốt hai ngày một
đêm. Hết rồi những dằn vặt ray rứt. Chiều hôm sau, lúc trả phòng Loan không cần
cặp kính đen và cái khẩu trang giấu mặt nữa. Nàng đi từng bước nhẹ nhàng tựa hẳn
người vào bờ vai Văn đầy tin tưởng”.
Truyện
kết thúc như một câu hỏi cho người đọc. Những ám ảnh ngày xưa liệu có xóa được
đi để tìm cho mình một niềm hạnh phúc đích thực hay không, hoặc lúc nào chúng
ta vẫn cứ ruổi rong đi tìm một cái bóng mờ xa.
“
Giờ thì tới lượt Văn tuy không đến nỗi ôm gối xuống sàn mà nằm yên như tượng với
khoảng cách năm mươi phân chờ sáng. Lại vẫn cùng giường nhưng. mộng thì sao?.”
Về
phần Ký, Đoàn Văn Khánh kể cho chúng ta nghe những chuyến đi, ở mỗi nơi đến lại
gắn kết với con người và những ký ức thật thú vị. Tác giả đưa đến để chúng ta gặp
gỡ với rất nhiều tên tuổi văn học với những kỷ niệm nho nhỏ mà thấm sâu, như với
Đào Mộng Nam:
“Vào
những năm tiếp sau 2000, mỗi lần về nước, cố giáo sư Đào Mộng Nam soạn giả bộ
sách giáo khoa TỰ HỌC CHỮ NHO do Đại học Huế xuất bản nổi tiếng đắc dụng những
năm 60 thường ăn ở tại nhà tôi. Lý do đơn giản là theo anh “nhà cậu tuy hơi xa
một chút nhưng Dung lành tính, không nhăn nhó chuyện anh em có thể lông bông
thâu đêm suốt sáng”.
Ngoài
những giờ lên lớp dạy Hán Nôm, liên hệ việc sưu tập về thơ Nôm Cao Chu Thần, những
giai thoại trong cuộc đời trung niên thi sĩ Bùi Giáng hay in ấn, xuất bản
sách... cái thú nhất của anh là rủ tôi phóng xe “ra kênh Nhiêu Lộc uống la-ze”.
(Anh gọi la-ze đúng điệu dân Sài gòn cũ chứ không nói bia bọt). Cho dù triều cường
lên hay xuống, cho dù con nước đen ngòm tanh tưởi được gió trời thốc vào mũi
trăm thứ mùi rác rến, xác chó mèo ươn có khi cả xác người nữa. ngồi lai rai ở
đây vẫn cứ là. tuyệt!”
Rồi
một chuyến đi của nhóm anh chị em Quán Văn đi lên Bảo Lộc thăm Nguyễn Đức Sơn,
Bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng, và dẫn chứng vài câu nói của Nguyễn Đức Sơn là
chúng ta hiểu được ngay tại sao người ta gọi Nguyễn Đức Sơn là nhà thơ siêu quậy:
“Giang
sơn của một trong tứ siêu quậy làng văn chương miền Nam trước 1975 (Bùi Giáng /
Phạm Công Thiện / Thế Phong / Sao Trên Rừng kia rồi. Quả không hổ danh đời
phong tặng ông là “lão thi sĩ vạn thông”. Không thể hình dung nổi hai thân xác
gầy còm, te tua của vợ chồng Sơn Núi, lôi thôi lếch thếch với đàn con 9 đứa
nheo nhóc, trong điều kiện khắc nghiệt trăm bề túng thiếu đã đánh vật chống chọi
lại và chiến thắng oanh liệt từ thiên nhiên đến tiếng đời dị nghị, rồi lâm tặc
quấy phá. để tạo dựng nên một cảnh quan hùng vĩ, tuyệt vời thế này cho chúng ta
thưởng lãm. Cả một cánh rừng trùng trùng điệp điệp thông nối tiếp thông ngàn
xanh hút mắt. Và con đường mòn tác tạo bởi muôn dấu chân người lần lữa đi lại
quanh co uốn khúc lặng lẽ dẫn vào Phương Bối am - một cảnh giới đẹp đến lặng
người. Như là... mọc lên từ cõi hư huyễn nào. Đã biết bao giọt mồ hôi và cả nước
mắt, cả máu nữa tưới xuống cho màu xanh thăm thẳm bất tận này hở anh chị Sơn
Núi? Thiền sư Nhất Hạnh trao lại vùng đất thiêng cho anh là. rất chuẩn thôi.
...
Cuối cùng chị Hoàng Kim Chi (hiền thê họa sĩ Nguyễn Sông Ba) phải cùng với mấy
thanh niên lâu năm phóng xe về áp tải, bấy giờ nhân vật chính mới chịu tắm táp,
thay đổi khăn áo lên xe đến hội trường. Tôi nhắc nhà văn Nguyên Minh kề sát bên
Sao Trên Rừng để. “kềm kẹp” khi cần. Tôi vừa cất giọng dẫn chương trình “Kính
thưa nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và gia đình. Kính thưa. “. Sơn Núi đưa tay xin phát
biểu:
“-
Cho tôi nói. ĐM. Cha sanh mẹ đẻ tôi mới nghe kính thưa nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
nha nha nha.”
Tác
giả đã viết mà như khóc với lần chia tay vĩnh biệt Chu Trầm Nguyên Minh.
“-Bệnh
viện Triều An, lầu 1, phòng 104VIP. Cửa mở: phòng không, giường trống. Cô hộ lý
đang dọn dẹp cho biết bệnh nhân Phạm Minh Tâm vừa xuất viện lúc 14 giờ!
Chiếc
xe máy đưa anh em tôi quay ngược về 44/3 Cư xá Bình Thới Đường số 5 Phường 8 Quận
11.
Dọc
đường, điện thoại rung. Trương Văn Dân vội báo tin anh Chu Trầm về đến nhà được
ít phút thì tắt thở. Không kịp rồi! Nguyên Minh khóc rống lên giữa chang chang
phố xá. Tôi hốt hoảng tấp nhanh xe vào lề đường: “Nén lòng đi anh. Anh ngồi yên
ôm chặt em nhé! Té là mình tiêu theo Chu Trầm luôn đó”.”
Kể
về chuyến du lịch qua Mỹ, tìm gặp Trần Hoài Thư :
“Nửa
đêm về sáng trên đường từ Quảng trường Thời Đại Times Square New York về nhà
ngang qua New Jersey - xa xa thành phố vẫn rực rỡ ánh điện muôn màu thắp sáng
nhưng sao tôi thấy đìu hiu, cô quạnh quá! Hình ảnh một ông già ngày ngày lái xe
tới nursing home chăm sóc bà vợ bệnh nan y rồi sau đó lại lặng lẽ quay về lủi
thủi một hình một bóng. “. Ở nơi tôi ở, đìu hiu như ở vùng kinh tế mới, không
chợ búa Việt Nam, không tiệm ăn Việt Nam, không bằng hữu thân quen...” (Trần
Hoài Thư)”
Ký
ức từ những nơi ghé đến, tác giả chứa trong bài viết biết bao tư liệu ngày xưa.
Nói về núi đồi đất đỏ cao nguyên trong “Qua Cửa Thần Phù”, nói về rừng thông
ngút ngàn ở Bảo Lộc trong “Reo cùng Sơn Núi” Nói về nước Úc, về nước Mỹ, nói về
Đồng Tháp và nói nhiều nhất về Saigon với những con hẻm nhỏ quanh co Bàn Cờ, với
dòng kênh đang xanh lại Nhiêu Lộc....tất cả đều rạo rực từ trái tim yêu thương
và cái nhìn nhân văn trìu mến cộng với những bằng hữu in đậm trong từng góc phố
bước qua. Bút ký “Phải Hôn Sài Gòn” là những dòng viết tự sự, thấm đẫm kỷ niệm
từ thời ấu thơ cho đến nay thành một lão niên quanh quẩn với Sài Gòn.
Âm
hưởng giọng nói “Phải Hôn....” theo giọng Sài Gòn vừa mang tính nhõng nhẽo, đặt
câu hỏi một cách thân tình chỉ có của người Sài Gòn. Đoàn Văn Khánh tận dụng ngữ
điệu này để đặt tựa cho bài viết thật dễ thương về nhiều kỷ niệm với vùng đất
chí tình này:
Ngày
ấy, kênh Nhiêu Lộc chưa được tử tế như bây giờ. Giang hồ mạt vận, gái gú lỡ thì
thường tụ tập quãng nửa đêm về sáng. Tô xí quách, dĩa cóc ổi ngâm cam thảo. Can
rượu đế kèm theo bình tông hai lít bia hơi chữa cháy. Cộng thêm bộ bài cào hay
tứ sắc là đủ đốt đêm. Có lúc cao hứng anh Đào Mộng Nam cũng vói qua bàn họ góp
ít chuyện tiếu lâm. Tất cả đều gọi anh bằng “bố”. Bố nhà văn. Bố nhà giáo rất
trịnh trọng nhưng không kém phần thân thiết.
Rồi
từ trong ký ức về cái thủa chào đời:
Hồi
đó Sài gòn loạn lạc nhiễu nhương. Cha tham gia hội kín thường hay vắng nhà. Chị
tôi mới lên mười đưa mẹ đi sanh tôi, dọc đường gặp bọn ma Tây lênh khênh xí xô
xí xào ầm ĩ. Hai mẹ con sợ ríu cả chân không dám vượt qua, cứ lẳng lặng theo
sau vừa đi vừa niệm Phật gia hộ. Pháp lực nhiệm mầu hồi lâu chúng biến mất.
Lúc
nhỏ nghe mẹ kể lại chuyện này tôi có ý nghĩ lớn lên lấy vợ sẽ sinh con tại đây.
Một ngày, thấy bảng hiệu nhà hộ sanh bị tháo gỡ, tôi buồn mất mấy tháng.
Tôi
và Khánh quen nhau khoảng 1966, khi hai đứa cùng sinh hoạt thơ văn thiếu niên,
và căn nhà tôi thường đến chơi, ở lại với Khánh là căn nhà này, căn nhà gốc của
bài thơ nổi tiếng: Những Tối Hoa Xưa.
Con
xóm nhỏ gần trăm nóc gia, nhà tôi ở khoảng giữa. Trước nhà là vuông sân rộng
lát gạch tàu quanh năm râm mát nhờ hai cây trứng cá và vú sữa rất sai trái. Tuổi
thơ êm ả những trò chơi con gái: lò cò, ô ăn quan, nhảy dây, nấu cơm, đóng kịch...
(cả xóm trang lứa tôi chỉ có hai thằng cu còn toàn là cái hĩm xinh xinh).
Rồi.
bỗng một lúc trời giông bão nổi, con Nguyệt chuyển nhà. Thiếu đào chánh ưng ý
soạn giả mất hứng đặt tuồng. Gánh hát rã. Nỗi nhớ nhung con Nguyệt khiến thằng
nhóc tôi xé vở học trò tập làm. thơ than mây khóc gió. Tôi nhớ mãi bài thơ đầu
tiên được đăng trên tờ nhật báo Tiếng Chuông là bài Những Tối Hoa Xưa: Năm mười
mười lăm hai mươi /Tôi che mắt. tiếng em cười rất trong / Con trăng sớm bíết mặn
nồng / Bay ngang một sợi mây hồng như mơ / Thương em xé vở học trò / Đêm khuya
cắn bút làm thơ tỏ tình / Trên dòng lục bát mông mênh / Gọi mưa về lá hồn nhiên
mộng đời / Năm mười mười lăm hai mươi / Có người xanh tóc thương người tóc
xanh.
Đời
sống như một con thuyền trên dòng nước lớn, khi vừa chạm vào tuổi thành niên, mỗi
người trôi dạt qua nhiều lối khác nhau, và Khánh thì :
Con
trốt đời nhổ bật rễ Sài Gòn quăng tôi đi tứ xứ. Từ Tiền Giang, Vĩnh Long xuống
Đồng Tháp Hồng Ngự đến Komtum, Pleiku, Ban Mê Thuột. Năm 1993 tôi bỏ trường về
lại nơi chôn nhau nhưng không đủ lực vào trong nội thành mà phải men ra vùng
ven xưa là Trung tâm huấn luyện Quang Trung mưu sinh bằng đủ thứ nghề thượng
vàng hạ cám, làm cả thủ công mỹ nghệ, tranh điện với Nguyễn Minh Nữu - bạn thiết
từ những năm đệ nhất cấp.
.
Sau đám tang Chu Trầm Nguyên Minh, khi tôi làm cuộc Bắc du thì các anh chị ở
nhà tổ chức nhiều chuyến đi loanh quanh dòng Nhiêu Lộc tìm cảm hứng và chụp ảnh.
Hoàng Kim Oanh có post mấy tấm trên
Facebook.
Họa sĩ & nhiếp ảnh gia Nguyễn Sông Ba mở laptop cho tôi xem công trình mới
của anh để cùng chọn ảnh bìa số 21.
Và
vẫn bằng lối kể hồn nhiên, duyên dáng có pha chút nhõng nhẽo, Đoàn Văn Khánh tạm
kết Phải Hôn Saigon sau biết bao tự sự là:
Quá
đúng luôn phải hôn Sài Gòn? Ừ, phải hôn Sài Gòn. Tôi quỳ xuống ôm hôn Sài Gòn
say đắm từ trong thâm tâm cất cao giọng hát Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi Sài Gòn
ơi...
Tôi
và Đoàn Văn Khánh quen và chơi với nhau đã gần 60 năm, tập truyện và bút ký này
của ông ra đời thực sự là một niềm vui, nhưng không là điều bất ngờ. Với bản
tính trầm mặc, thường ghi lại những sự việc xẩy ra chung quanh, cộng thêm tính
linh mẫn nhìn ra được ngay điểm nhấn trong cuộc sống, cho nên trước đó ông viết
xuống bằng thơ, và bây giờ thì bằng văn. Với 22 bài viết, Đoàn Văn Khánh đã rộng
tay viết lại cuộc sống từ niên thiếu cho tới bây giờ là một lão ông. Gom lại
như thế cũng là một ý riêng của tác giả muốn bày giải tổng quát cuộc sống từng
trải để chia sẻ với người đọc buồn vui, đớn đau và hạnh phúc trong kiếp nhân
sinh. Cái khó cho người viết lời giới thiệu là không thể chọn ra một bài nào
hay nhất để giới thiệu, bởi vì mỗi bài lại ghi dấu một thời, mỗi bài lại nhấn mạnh
một điều, và mỗi bài lại có cái thấm thía khác nhau, cũng không thể dài dòng viết
hết về tất cả các bài vì quá dài. Chỉ có thể nói tập văn này chỉ là khởi đầu
cho quá trình mà chúng ta sẽ còn đọc được rất nhiều những tác phẩm khác của
ông.
Truyện
viết gần nhất trước khi in sách (theo ghi chú ngày tháng ở cuối truyện) có lẽ
chính là một kiến giải cho lập luận một cõi nhân sinh trong văn Đoàn Văn Khánh.
Truyện Kiếp Nạn kể về cuộc đời My. Một cô gái đẹp nên sớm chịu phong trần. 17
tuổi bị người mẹ ruột gả bán để lấy tiền trả nợ và chịu đựng cú lừa đầu tiên:
20 lượng vàng trao tay là 20 lượng vàng giả, nhưng bất ngờ cơ hội lại tới khi
người mẹ đó gặp quý nhân, được giúp đỡ và trở thành giầu có. My thành con gái
bà trùm. Biến động 75 lại lần nữa thay đổi đời My. Mẹ My đi nước ngoài, My bỏ
chồng con theo một người đàn ông khác ở lại, và thời gian ngắn sau tiền không
và tình cũng không. Xót xa là đứa con của My trong chuyến vượt biên bị hải tặc
hiếp và mất tích. Rồi từ những tin tức lõm bõm, Gia đình nhờ người anh bà con
đi cùng My rong ruổi qua đất Campuchia tìm người... cô gái điên loạn có dấu
chàm trên vành tai trái và cảm xúc thiêng liêng của người Mẹ để My nhận ra :
“Còn
đôi mắt thì to và nâu sẫm như My. Lạ một điều là mớ tóc rối xoắn lại từng lọn
nhỏ như hình một bầy rắn đang quấn quýt trên đầu khiến ông Thiết liên tưởng đến
pho tượng huyền thoại nữ thần rắn Naga, thủy tổ của vương quốc Chân Lạp xa xưa.
...Về
nhà, My bỏ cơm nằm vùi trong phòng khóc than nức nở: “Linh cảm người mẹ cho em
biết: Đúng là con gái em rồi các bác ơi! Tội quá!”
Và
câu chuyện kết thúc với cái nút được cởi ra ở cuối truyện, Gặp được người quen
cũ, được giúp đỡ điều kiện để mẹ con trùng phùng, My qua cơn Kiếp Nạn kéo dài nửa
đời người, từ trong khốn khó đói nghèo đã nhận thức được cuộc sống, để rồi trở
về thiên chức làm mẹ, truyền đạt được cảm xúc và cô gái điên dần dần tỉnh lại.
Một tương lại đẹp hơn đón chào những cuộc đời cạn đáy.
Giông
tố đã đi qua. Kiếp nạn được tiêu trừ. Cuộc sống mẹ con My chuyển qua trang giấy
mới. Xin chúc phúc cho họ.
Không
có gì mãi mãi trong cuộc sống đời thường. Mỗi truyện ngắn đều để lại cho người
đọc một cái nhìn, có xót xa, có buồn khổ và cũng có những hân hoan, vượt thoát.
Một cõi nhân sinh qua nhiều góc nhìn cá biệt, và cái nhìn nào cũng thẫm đẫm
nhân văn.
Với
riêng tôi, một người yêu thích và thuộc thơ của Đoàn Văn Khánh từ mấy chục năm
nay, từ bây giờ sẽ chuyển qua yêu thích lối văn đơn giản nhẹ nhàng mà cưu mang
nhiều ý tưởng vượt lên và vượt qua số phận của ông. Chúc mừng Đoàn Văn Khánh.
15/04/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét