THI PHÁP MẢNH VỠ VÀ TÂM THỨC CỘI NGUỒN
TRONG THUỒNG LUỒNG MẮT BIẾC
CỦA NGUYỄN MINH NỮU
Trăm
năm cuộc lớn nguyên là mộng
Một
ngọn đèn con biết với ai
(Nông
Sơn Nguyễn Can Mộng, Nông Sơn toàn tập, tr.811)
Đi ngược chiều thời gian, tâp truyện mở ra không gian quen thuộc là đầu nguồn dòng Potomac, và thời gian hiện tại với truyện mới nhất như mới viết hôm qua, hôm nay giữa mùa đại dịch cúm Tàu tháng 5.2020. Rồi kết thúc với truyện đầu tay đăng báo đến nay vừa tròn nửa thế kỷ (1971). Câu thơ bất chợt “lẩy” từ trang sách cụ Phó Bảng trong bài “Thức đêm” (Nông Sơn toàn tập, nxb Tổng hợp, 2004) làm lời đề từ bỗng như một khai mở cho tâm cảm người viết. 50 năm. Thời gian phải chăng vốn cũng chỉ là giấc mộng Nam Kha mà trăm năm, ngàn năm trước trong cái bí ẩn bất lực huyền diệu người xưa vẫn ví von… Có chăng những tiền duyên nhân quả trong cõi bụi bặm này? Có chăng kiếp lai sinh kỳ diệu? Có chăng lời nguyền hoạ phúc báo ứng hiện tiền? Có chăng ta còn gặp lại ta lần nữa? 19 truyện, ký của tác giả Nguyễn Minh Nữu đây trong vô tình hay hữu ý đã lặng lẽ đi lại hành trình cuộc mộng lớn nhân sinh ấy.
Nếu
trong tác phẩm tôi được đọc 4 năm trước Thương quá Sài Gòn chủ đề khá tập trung
là đất Sài Gòn, người Sài Gòn, là tình bạn, tình yêu trong dòng chảy ký ức miên
man ân tình “thương quá” để mỗi bước đi về làm tác giả ngẩn ngơ thì tập Thuồng
luồng mắt biếc lần này không hoàn toàn chỉ dừng lại ở đó. Vẫn thấp thoáng từng
cái tên Bình Đông, Kênh Tẻ, Long Kiểng, Tân Quy; từng con đường Duy Tân, Kỳ Đồng,
Trần Bình Trọng…mở ra không gian Sài Gòn quen thuộc yêu thương thao thiết làm nền
cho toàn tập truyện ký này, nhưng từ tâm cảm “một ngọn đèn con biết với ai” ấy,
những lớp ẩn ngữ, ám dụ và cả sự chọn lựa các truyện, ký không cho phép tôi dừng
lại ở chủ đề quen thuộc cũ. Quả là không có sự đọc cuối cùng. Bài đã đọc, đã viết
4 năm trước sao giản đơn hời hợt 3/10 bề mặt cốt truyện, sự kiện, tình tiết… dường
như chưa chạm được phần chìm của tảng băng mà tác giả Nguyễn Minh Nữu muốn gửi
trao cho người đọc hôm nay?
2. Thuồng luồng mắt biếc gồm 19 truyện lẫn tự
truyện, cũng có thể gọi là bút ký hay hồi ký, vì thi pháp nổi bật là những truyện
kể theo dòng ký ức và nhân vật trần thuật có đến 14/19 truyện xuất hiện ở điểm
nhìn người trong cuộc. Xin tạm gọi chung là truyện-ký. Điều rõ nhất là luôn có
sự đan xen trộn lẫn khó phân biệt ranh giới tách bạch các thể loại cũng như cấu
trúc trong từng truyện khiến người đọc không khỏi không nghĩ đến thi pháp mảnh vỡ (Fragmentation) đặc trưng của văn
xuôi khuynh hướng hậu hiện đại (Postmodernism). Theo lý thuyết, Mờ hoá
(Declearisation) là bản chất của văn xuôi tự sự hậu hiện đại, bao gồm những
khuynh hướng chính kế thừa và phát triển từ văn chương hiện đại như Dòng ý thức
(Stream of conciousness) Huyền ảo (Magical), Mảnh vỡ (Fragmentation), Tối giản
(Minimalism), Giễu nhại (Parody) Giả trinh thám (Pseudo-Detectivity) tuỳ trường
hợp, được sử dụng một cách có chủ đích nhằm tạo ra hiệu quả thẩm mỹ.
Trong kiểu đan xen thể loại đó, đặc
trưng của thi pháp mảnh vỡ hiện rõ trong cấu trúc các truyện gắn với hình thức
hồi ký như loạt 10 truyện về Sài Gòn từ Khu Nancy ở Sài Gòn, Số 19 Kỳ Đồng,
Chuyện cổ tích trên bến Bình Đông, Nhớ về Long Kiểng… đến những trang tự truyện,
tự thuật trong Cuối năm nhớ mẹ, Văng vẳng bên trời tiếng hạc qua, Thanh Ca tác
động, Nguyễn Minh Diễm anh tôi, Bên bờ Kênh Tẻ, Khu phố ngày xưa… Dấu vết của
thủ pháp mảnh vỡ nổi rõ ở điểm tuy là hồi ký, tự truyện song cũng không còn là
chuyện riêng một cá nhân tác giả, mà là một kiểu nhật ký, hồi ký dành cho tất cả
mọi người. Bởi, lồng trong những câu chuyện của người trần thuật xưng “tôi” ấy,
người đọc có thể nhìn lại, nhớ lại như cuốn phác thảo biên niên của một vùng đất,
một bờ kênh, một khu phố, một tên tuổi danh nhân lừng lẫy, một phong trào du ca
của tuổi trẻ Sài Gòn, các thi văn đoàn tuổi học trò trước và sau 1975, kể cả những
tâm tình chân chất, nết ăn nết ở phóng khoáng ân tình của con người Sài Gòn trọng
nghĩa khinh tài mà ngày nay ngỡ như chỉ là “chuyện cổ tích”. Cả đến câu chuyện
rõ ràng chỉ là chuyện một gia tộc, một gia đình, ký ức yêu thương xót xa về mẹ,
về cha, về anh, về chị… rất cá biệt, rất riêng của mỗi Nguyễn Minh Nữu, nhưng
bóc tách từng lớp ký ức chồng chéo ấy, phải chăng lại ẩn sau nó những giá trị rất
chung. Đó là hồn cốt dân tộc, là nền nếp gia phong cốt cách của cả một thế hệ
trí thức Nho học trước1945 mà dẫu bao phân ly thất tán, tâm thức những người
con Việt chúng ta hôm nay vẫn cung kính tìm về và gìn giữ nâng niu. Đặc biệt là
hình ảnh đầy xúc động về người mẹ bản lĩnh một đời lặng lẽ hy sinh giữ tròn tiết
hạnh gia phong, người chị hiếu đễ tất tả thay mẹ chăm chút cậu em nhỏ nên người
trong cơn vật đổi sao dời biển dâu dồn dập, thời đại nào, hưng phế đến đâu,
cũng là hình ảnh truyền thống đẹp đẽ được trân trọng trong xã hội Việt Nam bao
đời nay.
Phải chăng đó cũng là cái Hà Nội thứ tư
nền nã, thanh lịch, nghìn năm văn hiến mà Cao và Ông Vượng thợ Khảm đã tin tưởng,
đã hy vọng lắng sâu lẩn khuất đâu đó trong hồn người sẽ có dịp hiển lộ ra?
Cấu
trúc nhiều truyện trong Thuồng luồng mắt biếc còn mang đậm đặc trưng mảnh vỡ ở
lối viết rời rạc, ngắt quãng, chuyển cảnh đột ngột và kết thúc bỏ lửng giống
như tác phẩm chưa hoàn tất. Tính ghép mảnh, phi trung tâm cũng khá đậm nét
trong những hồi ký-tự truyện như Khu Nancy ở Sài Gòn, Nhớ về Long Kiểng… Ví dụ
như ở truyện thứ nhất, tác giả nhắc lại rất tường tận không gian địa lý đường
đi lối rẽ của khu Nancy là một nơi chốn gia đình từng ở, tiếp theo là liên tưởng
về ông hoàng tango Hoàng Trọng cũng từng ở khu Nancy này. Nhưng những trang tiếp
không phải kể về Hoàng Trọng ở Khu Nancy mà lại chuyển người đọc sang nửa vòng
trái đất với Club du Jeudi ở nhà Nguyễn Túc, một người có tài nấu phở Việt, nhiếp
ảnh và sưu tập nhật báo… và cách ứng xử tế nhị, lịch sự của nhóm anh em văn nghệ
sĩ vùng DC. Cũng thi pháp mảnh vỡ ấy, lần nữa cho phép tác giả lại quay về Khu
Nancy với phường Cầu Kho nơi còn đó dấu tích Cụ Nguyễn Đình Chiểu chào đời hai
thế kỷ trước, với trường tiểu học Trần Bình Trọng- nơi có khu nhà mồ học giả
Trương Vĩnh Ký và tài học uyên bác của nhà khoa học lỗi lạc này. Còn truyện thứ
hai, Nhớ về Long Kiểng, bắt đầu với những miêu tả về vị trí địa lý, người kể
chuyện “tôi” sau đó mới xuất hiện khi nói về chị Bội Cẩn, nhưng không đi sâu
vào phân tích tâm trạng hay nội tâm, tình cảm nhân vật mà rời khỏi ngôi nhà ở
Long Kiểng của chị Bội Cẩn, ráp tiếp những trang ký ức rất sống động mà ngậm
ngùi về cuộc đời tài hoa thăng trầm khốn khó của nhạc sĩ Châu Kỳ. Nghe như còn
vẳng vọng tiếng hát của ông: “Chỉ có đôi ta không bao giờ ly biệt, chỉ có đôi
ta tha thiết mộng ban đầu. Đừng khóc cho tương lai mai thuyền ngược về đâu. Với
một tiếng tin yêu nhau, mối tình đẹp ngàn sau...". Chưa dừng ở đó, tác giả
tiếp tục dẫn người đọc đi xa hơn ngắm Chùa Ông, Cư xá Ngân Hàng… Để rồi cũng
chính ông hụt hẫng cùng những cánh đồng ngập mặn, những con lạch quanh co, những
rừng dừa biến mất, trong miên man nỗi nhớ về miền đất thân thương một thời gắn
bó, dù giờ đã thay đổi nguy nga tráng lệ không ngờ…
Tâm
cảm đó, ông đã gặp lại nguyên si trong Bên bờ Kênh Tẻ…
Riêng
hai truyện ngắn cuối cùng của tập truyện lại là một bất ngờ khác.
Nửa
thế kỷ tròn. Thời gian vời vợi. Không gian mịt mù. Quá khứ tưởng đã lùi xa lăng
lắc vậy mà Một thoáng mây phiêu bạt, truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Minh Nữu,
đăng trên tạp chí Văn – Sài Gòn, 1971, khi còn là một chàng trai 22 tuổi, vẫn
đem lại cho người đọc nhiều sức lay động. Hiện thực chiến tranh là không gian
bao trùm mang diễn ngôn sống chết nghiệt ngã định mệnh, không gian hẹp hơn là
tiền đồn và những ngày doanh trại ở miền núi heo hút khốc liệt thì chứa đựng
trong bản thân nó diễn ngôn phản kháng sinh tồn. Tác giả không xuất hiện mà ẩn
vào lời kể và nhân vật. Kỹ thuật viết truyện được xây dựng từ điểm tâm trạng của
nhân vật người lính tên Nhự. Mở đầu trực tiếp bằng những câu ngắn, dồn dập với
các tình tiết dồn nén cực độ, gần như không còn có thể dồn nén hơn. Tình thế của
anh mở ra một thế giới hiện thực đổ vỡ, hỗn độn, mất mát, đổi thay, chua
chát…chi phối toàn bộ mạch truyện.
“Tết
năm đó, Nhự không về thăm nhà. Lý do thật dễ hiểu là còn nhà đâu nữa mà thăm.
Di cư vào Nam, mẹ Nhự mướn một căn nhà nhỏ trong khu xóm lầy lội ở Sài gòn làm
chỗ thờ bố Nhự, đó cũng là cái tổ ấm duy nhất của Nhự, trong suốt tuổi ấu thời.
Nhự là con trai út, đứa con tội nghiệp nhất. Nhự mất cha từ hồi còn bốn tuổi,
cũng cái tuổi này. Nhự mất cả quê hương.”
Càng
lúc, cảm thức mất mát bơ vơ càng siết chặt cuộc đời Nhự: “Nhưng càng ngày, Nhự
càng cảm thấy một thất thoát khác, chua xót hơn, man mác mà dầy vò Nhự từng
ngày từng đêm từng sớm từng chiều. Đó là chỗ trở về.” Mất quê hương. Mất tuổi
thơ. Một chỗ trở về. Một chỗ không chỉ để sống, mà còn để chết. Vậy mà, trrong
mong manh côi cút của số phận, Nhự đã không để cái yếu hèn nhỏ nhoi làm mình gục
ngã. Nhự vượt thoát nó bằng những giá trị và danh dự người lính, bằng tình yêu
rất đỗi chân thành đằm thắm của Thuý và niềm tin mãnh liệt ở tình yêu, ở những
giấc mơ cho ngày mai…
Tôi
cũng thích cách miêu tả chân thật về mối tình đầu ngây thơ và cách ứng xử đậm
chất hảo hán trượng nghĩa khinh tài của nhân vật “tôi” trong Dòng nước mắt
xanh. Cảm giác có một chút ám ảnh vô thức trong motif -yêu- chị ở mối tình đầu
trong veo theo cách lý giải của Sigmund Freud. Nhân vật kể: “Tôi mồ côi cha từ
năm bốn tuổi, tôi thèm khát cái không khí nghiêm khắc nhưng không kém phần chiều
chuộng của người cha, mà tôi không có được, nên tôi thích chạy qua nhà Hằng
chơi, Hằng cũng vậy, mỗi lần tôi qua là mỗi lần được chiều chuộng, và tha hồ
làm nũng, tôi chỉ thành thật yêu mến Hằng, tới độ không thể xa rời.” Ám ảnh vô
thức này hiện diện không ít lần trong tập truyện. Ngay trong tác phẩm đầu tay,
được Thuý yêu và ngỏ ý đợi chờ, Nhự xúc động tới muốn khóc vì cảm thấy: “như
mình trở lại tuổi bé thơ, sống tự nhiên và thanh thản bên người chị đôn hậu
khoan dung.” (tr.203)
Trong
Dòng nước mắt xanh, sự sáng tạo có thể ghi nhận ở cách thay đổi điểm nhìn trần
thuật bằng hình thức đối thoại “tôi” và “anh” tưởng tượng nào đó. Đối thoại ở
đây cũng chính là dạng tự nhân đôi chính mình để tự phân tích tâm trạng mình
cũng như tạo sự khách quan cho nội dung trần thuật. Tình non dại trong veo. Ẩn ức
tuổi thơ. Tình thương và cái tâm hào hiệp đáng yêu chính là khởi điểm cho truyện
ngắn Nguyễn Minh Nữu neo mãi hình tượng đẹp trong lòng người đọc.
Sử dụng
kết cấu mở, ngắt đoạn, rời rạc, không gian ghép mảnh, phi trung tâm, cốt truyện
chưa hoàn tất, tác giả chỉ mô tả lịch sử biến thiên, trình bày đời sống như nó
vốn có, không lý giải phân tích là những dấu hiệu điển hình của thi pháp văn
xuôi hậu hiện đại, cho dù Nguyễn Minh Nữu ý thức hay không ý thức, những đặc
trưng này cứ lặp đi lặp lại định hình một phong cách sáng tác riêng, những mảnh
vỡ hiện thực ấy dường như là phần chìm bật lên từ tiềm thức nỗi niềm của riêng
ông: hối hả đi tìm lại một cái gì đó đã không còn và luôn thôi thúc trở về. trở
về. Sài Gòn và tuổi thơ. “Chúng tôi đã lớn lên, các Thi văn đoàn và bút nhóm đã
lụi tàn.” (Khu phố ngày xưa); đau đáu xót xa một thế giới hoài niệm đẹp đẽ đầy
yêu thương đã mất, một thế giới vụn vỡ, không toàn vẹn đã và đang thay đổi
không ngừng, đã và đang xa lạ không cùng…
Nhưng
lòng thì mãi sao nỡ nguôi quên…
“Nói
cho cùng, trở về chính là nhân đôi kỷ niệm, được sống, được thở và được vui buồn
một lần nữa cái tuổi thanh xuân đã qua của mình.” (Bên bờ Kênh Tẻ)
3. Ngoài những truyện – ký mang yếu tố hồi
ký-tự thuật trên, đặc trưng của văn xuôi hậu hiện đại còn rõ nét hơn ở những
truyện truyền kỳ hay có yếu tố siêu nhiên huyền ảo trong tập Thuồng luồng mắt
biếc. Ngòi bút của Nguyễn Minh Nữu ở thể loại này vẫn giữ lối kể chuyện tự
nhiên song có những kết hợp khá mới mẻ. Bút pháp kỳ ảo, con người miền Tây hiền
hoà và các thế lực siêu nhiên như Thần Sông, Thần Biển, Thần Mưa…đưa người đọc
trở về thế giới huyền thoại. Nguyễn Minh Nữu không nhằm gieo cảm giác sợ hãi và
khiếp đảm như các truyện kỳ ảo nói chung khi mượn những chi tiết hư cấu quen
thuộc của truyền thuyết dân gian về Con Rồng Cháu Tiên, về sự tích Núi Cấm, về
chín khúc sông Cửu Long…
Vận dụng vào trường hợp Con trai thuỷ thần,
Thuồng luồng mắt biếc, và chi tiết huyền ảo “lai sinh” của cậu bé Nguyễn Minh
Kha trong Văng vẳng bên trời tiếng hạc qua có thể thấy tác giả đã cố tình xoá mờ
ranh giới thực hư và mượn yếu tố siêu nhiên như Thần sông Tử Kim Long, con Vua
Rồng Bát Lang…làm mờ hoá ranh giới con người tự nhiên và lực lượng siêu nhiên
quyền năng thần kỳ khi cho những cuộc hôn phối kỳ lạ giữa Trang và Tử Kim Long,
Lân và Kim hay Bát Lang và em Lành…Nguời đọc bị lẫn vào không khí hư hư thực thực
không phân định như trường hợp đêm định mệnh giữa Chơn Nhã và cô gái làng chài
Phú Quốc hỗn loạn mê mê hoặc hoặc trong Sư ông chùa Núi, cả câu chuyện “lai
sinh” hi hữu ngàn năm có một trên đời.
Hay
có thể bắt gặp tính chất giễu nhại (Paroxy) trong Thi thánh. Các chi tiết hư cấu
theo ý đồ nghệ thuật tác giả được tưởng tượng thật thú vị: khi đọc một câu thơ
của một tài năng lớn thì cây “rùng rùng chuyển động âm thanh như sáo trúc” hoặc
“cây vạm vỡ vươn cao rùng mình như tiếng sóng”. Ngược lại những kẻ bất tài vô
danh tiểu tốt, hợm hĩnh ưa phỉnh nịnh thì tiếng “rung yếu như gió thoảng và âm
thanh nhỏ xíu như tiếng muỗi kêu. Trên cây có dăm ba lá xanh, nhiều nhất là lá
vàng, và mươi chồi non, chồi nào cũng héo úa không thể phát triển được.” Cách
hư cấu cuộc gặp giữa Thi Lâm quả nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hình tượng ám dụ vô cùng
sinh động, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, thâm thuý: “Cái vĩnh viễn sống đời
là Tác Phẩm chứ không phải tác giả” (Thi Thánh).
Motif
sông nước và hôn nhân giữa người-thần linh trong truyện cổ dân gian từ thời
công xã nguyên thuỷ được lặp lại trong truyện có cùng tên tập sách và cũng là
truyện chiếm dung lượng dài nhất (24 trang): Thuồng luồng mắt biếc. Mở đầu với không gian bờ sông Potomac ở
Washington Hoa Kỳ và cuộc sống yên bình của ba mẹ con bà cháu, nhưng theo dòng
hồi tưởng và thi pháp mảnh vỡ, tác giả lại dẫn ngược về quá khứ một căn bệnh lạ
được người bình dân gọi là “Mắc Đàng Dưới” của nhân vật Trang, một cô gái hiền
lành nết na những năm tháng bên bờ sông Hậu ở Hồng Ngự - Đồng Tháp, Việt Nam, bỗng
dưng có mang... Thủ pháp đồng hiện thông qua các sự kiện, các tình tiết hoang
đường, các nhân vật đời thường lẫn nhân vật siêu nhiên được kết cấu theo trình
tự thời gian, xuất hiện trong nhiều thời điểm, nhiều không gian cụ thể, cách biệt rất xa về địa lý nhưng có
thật, làm tính chất hư hư thực thực cứ quyện lẫn vào nhau. Thực tại là chuyện
gia đình ông Thái Lao sau năm năm ông đi học tập cải tạo, về Hồng Ngự sinh sống
rồi duyên may, định cư tại Mỹ. Thực tại là Trang và đứa con trai của nàng nay
là một bác sĩ khôi ngô tuấn tú đang sống và làm việc bình thường như một người
bình thường. Là chuyện Lân yêu đương và khao khát tìm kiếm một cô gái đích thực
của mình. Kỳ kỳ ảo ảo là chuyện Trang té xuống nước, thoát chết, nhờ được Tử
Kim Long - là một trong 18 thần tướng của dòng sông này, mấy trăm năm trước – cứu
mạng và có mang sinh ra Lân. Khoa học tới nay vẫn chưa chứng minh được hiện tượng
căn bệnh lạ dân gian vẫn lưu truyền này. Thuồng luồng trong đời sống tâm linh
người Việt cổ là một con vật vừa có thực trong Đại Việt Sử ký toàn thư (kỷ Hùng
Vuơng) vừa là con vật tưởng tượng, có sức mạnh siêu nhiên ở dưới nước và thường
cứu giúp thuyền bè hay con người khi lâm nạn trên sông nước. Thậm chí, còn là vật
thiêng trong tín ngưỡng của đồng bào tộc Thái ở Cao Bằng, Bắc Kạn. Tác giả đã
khéo léo tận dụng điều người đọc có thể biết sẵn ấy để nói lên một điều bí ẩn
mà chỉ có tình yêu đích thực mới có thể lý giải. Màu sắc nghiệp duyên trong học
thuyết nhà Phật dễ dàng được nhiều đối tượng người đọc tiếp nhận khi tác giả mượn
lời vị Hòa Thượng ở chùa Quán Thế Âm đầu nguồn sông Potomac nói với Lân và cô
gái tiền duyên thiên định của anh: “Các con tìm đến nhau và sẽ trộn lẫn vào
nhau bởi vì đó là luật sinh tồn của tạo hóa”.
Phải
chăng tác giả muốn mượn mùi hương kinh giới lạ đặc trưng mà Lân được truyền hưởng
từ người cha rồng Tử Kim Long, từng là vật cản khi Lân đến với Thúy, với
Jennifer và chỉ hòa hợp khi gặp con gái Bạch Y Long bởi đó không phải căn bệnh
bí ẩn nào hết, mà là mật hiệu ký thác của thần linh như một thông điệp: Tình
yêu là duyên tiền định, là ngàn năm gặp gỡ. Và tình yêu đích thực là tình yêu
thủy chung tuyệt đối. Trăm dặm, ngàn dặm, đại dương mênh mông cách trở vậy mà
“chỉ cần nàng gọi tên ta, Tử Kim Long, ngay lập tức ta sẽ đến bên nàng, phù trợ
nàng, bảo trợ cho con…” Những đoạn văn dịu dàng cảm động. Ôi, người hay thần
linh ma quái, thế giới nào có thể thiếu tình yêu! Phải chăng chính trong cuộc sống
càng xô bồ giả trá này, con người chúng ta càng luôn khao khát đi tìm một nửa
đích thực của mình, khao khát một tình yêu đẹp thủy chung và tuyệt đối như thế.
Con
trai thủy thần cũng nằm trong hệ đề tài và thi pháp huyền ảo ấy. Ở truyện này,
Nguyễn Minh Nữu đã nhại motif thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh nhằm lý giải hiện
tượng tự nhiên bằng một mối tình cảm động: Thủy Thần biển Đông có 9 người con
trai, và ông Tám Rắn đó chính là người con trai thứ tám phụ trách thông thương
cho cửa Ba Thắc (thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng bây giờ). Nhiệm vụ của họ là mỗi
ngày đi vào đất liền bằng chín lối khác nhau. Mỗi khi đi vào, họ hóa thân thành
chín luồng nước lớn, những lớp vảy là những con sóng bạc, khi họ đi vào là nước
thủy triều dâng lên, vừa làm lòng sông sâu thêm, vừa làm bờ sông mịn láng, và
khi lên tới đầu nguồn, họ quay về biển đông, đó là khi người ta nhìn thấy nước
triều xuống. Hàng ngày, thủy triều lên xuống tạo cân bằng cho sinh thái tự
nhiên và là hoạt động của thiên nhiên chi phối và hỗ trợ con người. Những long
thần này còn làm ra những cơn mưa tưới cho vùng đồng ruộng bát ngát của đồng bằng
miền Nam.
Không
quá biến hóa và dữ dội như Mẹ Cả trong Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp,
vì tình yêu, Bát Lang trong Con trai thủy thần đã tự nguyện từ bỏ giống rồng
cao quý bất tử để làm người trần gian, làm ông Tám Rắn bình thường nơi dân dã.
Chẳng những thế, để giữ tình yêu, Bát Lang còn phải chịu đớn đau không nhả viên
ngọc rồng tỏa sáng, chịu quy luật thế gian sinh lão bệnh tử để được yêu em
Lành, được sống và chết bên cạnh em Lành… Bởi chàng nhận ra phép thần thông mà
chàng có chỉ có thể giúp chàng hóa thân làm đủ mọi loài hình dáng khác nhau, xấu
đẹp, hiền dữ…. “Nhưng có một thứ chúng ta không nhân bản được, vĩnh viễn không
làm được vì ai trong chúng ta cũng chỉ có một cái hồn. Cái Hồn đó là cái bản chất
riêng tư mỗi cá thể, là cái tâm để hành xử thiện ác, và là cái mang theo trong
suốt cuộc luân hồi”. (tr.41) Để từ đó, với thân phận con người, nhờ có hồn người,
Bát Lang biết yêu thương, biết giận hờn, biết trách nhiệm, hiểu được thế nào là
tình yêu và chấp nhận chết cho tình yêu.
Một
dòng chảy Cửu Long cạn nhưng hai ngọn đồi bên cạnh núi Két vùng Thất Sơn - nấm
mồ của đôi uyên ương lại nổi lên như một minh chứng đẹp của tình yêu. Điều tôi
suy ngẫm mãi là quyết định bất ngờ của người cha. Thủy Thần đầy quyền năng có
thể cải lão hoàn đồng đó chẳng những không đùng đùng giận dữ, dùng quyền uy cưỡng
bức Bát Lang trở về cõi Bất Tử mà lại thuận theo những lý lẽ con trai phân giải,
nghĩa là thuận theo chữ Tâm, thuận theo lẽ tự nhiên…
Trong
nhiều tư liệu lịch sử (mà hiện nay vẫn còn tranh cãi), sông Tiền sông Hậu chảy
vào đất Việt, đổ ra 9 cửa sông gọi là Cửu Long theo thứ tự gồm cửa Tiểu, cửa Đại,
Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc, Trần Đề. nhưng do hiện
tượng cát bồi và biến thiên của dòng chảy theo thời gian, khoảng thập niên
1960, cửa sông thứ 8 là Ba Thắc đã bị bồi lấp nên sông Hậu chỉ còn hai cửa biển
ngày nay là cửa Định An và cửa Tranh Đề (Sóc Trăng). Gạt đi những yếu tố siêu
nhiên, câu chuyện tình cảm động của người con trai thứ tám của Thủy Thần phụ
trách thông thương cho cửa Ba Thắc cũng là một cách lý giải thật lãng mạn vì
sao 9 cửa sông Cửu Long trên phần đất Việt nay chỉ còn có tám. (Cũng vì sức hấp
dẫn hư thực của câu chuyện này, giáp tết năm 2018, chúng tôi đã rong ruổi các
đường quê ven sông đầy hương sả hương cau để đi tìm 9 cửa sông. Huyền thoại 9 Rồng
chính thức chỉ còn có 7, do cửa thứ 3 Ba Lai đã bị hệ thống cống đập ngăn lại.
Hệ thống này nằm trong dự án ngọt hóa vùng ven biển của tỉnh Bến Tre.)
Con
người và thiên nhiên qua trang viết của Nguyễn Minh Nữu có một sự tương thông
giao hảo tuyệt vời. Ngược lại, quan hệ con người với con người trong Hảo hán cuối
cùng phức tạp đầy dằn vặt mâu thuẫn nghi ngờ, tuyệt vọng. Thoạt đầu, cứ tưởng
tác giả đưa người đọc lùi về không gian bến nước hậu Lương Sơn Bạc xa xưa 108
anh hùng tụ nghĩa do “quan bức dân phản”, nhưng rồi câu chuyện về Tống Giang được
viết thêm với nhiều ám dụ. Sự tan rã của Lương Sơn Bạc là một đề tài lịch sử
nhiều tranh cãi và suy ngẫm cho nhiều thời đại, nhiều quốc gia. Nguyễn Minh Nữu
dường như không chủ đích kể chuyện các hảo hán Trung Hoa mà đằng sau những sự
kiện là những gửi gấm nói về các “hảo hán” Việt, những người mang lý tưởng vì
nghĩa quên thân. Qua đó, bàn luận, chiêm nghiệm về chữ “bạo” và việc “trừ bạo”
thời nay. Tuy đau đớn trước hiện thực nhiễu nhương, diệt tên tham quan này thì
vẫn còn tên tham quan khác nhưng lẽ nào chỉ còn Phạm Tuấn độc cô thế thiên hành
đạo? Không. “Phải trả cho Lương Sơn cái chính nghĩa vì dân trừ bạo. Dù rằng muốn
trừ bạo thì phải dùng bạo, nhưng cái bạo của người chính nghĩa là cái bạo lực
nhân ái.” Cái Ác cho dù có đang ngạo nghễ thắng thế, kết thúc buồn nhân vật tự
rơi vào khủng hoảng nhưng bàng bạc trong nỗi ngậm ngùi vẫn ánh lên niềm tin Phạm
Tuấn sẽ không phải là hảo hán cuối cùng!
“Giương
cao ngọn cờ chính nghĩa vì dân trừ bạo không phải là việc một người, một nhóm
người, hay một thời, một đời bất ngờ sáng tạo rồi làm nên được. Tao nghĩ nó âm ỉ
khai sinh từ nhiều con người, từ nhiều thế hệ, nó được thêm bớt bằng máu xương
nhiều đời để thích nghi và đáp thỏa yêu cầu chính đáng của tất cả. Lúc đó, mọi
thế lực dù hung bạo và gian ác cỡ nào nhưng đi ngược với lòng dân thì cũng tự
diệt.” (tr. 73)
4. Gấp 238 trang sách lại, ám ảnh sông nước
kênh rạch mênh mang xuyên suốt 2/3 số truyện trong Thuồng luồng mắt biếc vẫn dập
dờn. Đó cũng là một cách cảm nhận và thái độ thẩm mỹ của tác giả đối với con
người và thế giới. Bằng không gian hoài niệm, thời gian hồi tưởng, chiêm nghiệm,
cái nhìn trong văn xuôi Nguyễn Minh Nữu mang cảm thức cội nguồn đậm nét với nhiều
hình tượng đầy sức gợi. Tâm thức là tình cảm và nhận thức đã ăn sâu bền vững
vào tâm hồn con người trong không gian ba chiều: trí tuệ, tâm trí và tiềm thức
nằm sâu bên trong tâm hồn con người để rồi do những tác động nào đó bất chợt chạm
vào, khai mở tiềm thức. Từ cội nguồn thẳm sâu, trùng hợp sao, mảnh đất quê cha
đất tổ Duyên Hà Thái Bình của Nguyễn Minh Nữu cũng vốn là vùng đất 4 bề sông biển
từ thế kỷ thứ 7,8 cư dân các miền đã tụ hội. Tâm thức cội nguồn thôi thúc tác
giả trở về đi tìm một Hà Nội thứ nhất đẹp cổ kính của ký ức gia đình, về Sơn
Tây quỳ bên mộ cha cho lòng mơn man thương nhớ được âu yếm vỗ về. Tìm lại chính
mình trong từng trang cổ thi cha truyền lại và lòng nhủ lòng “tiếp mạch thư
hương, giữ nếp nhà” (NMN, Mênh mông trời Bất Bạt). Tâm thức cội nguồn khiến Sài
Gòn và những dòng kênh Đôi, kênh Tẻ cùng những phận đời nổi trôi nhưng khí khái
thiện lành lúc nào cũng đọng lại trong chiều sâu yêu thương tủi buồn bơ vơ tâm
hồn thất thổ tứ tán điêu linh ngày bỏ xứ. Và cũng tâm thức ấy, dòng Potomac bây
giờ cũng là nơi chốn trở về. Linh hồn sông nước Nam bộ - quê hương cô sinh viên
Đại học Văn Khoa Bảy Thâu dịu dàng ít lời hoa mỹ bước vào gắn bó đời anh - cũng hào sảng hoá thân vào từng tên đất tên
sông, hoà đồng, gắn bó với thiên nhiên bằng chính cả sinh mệnh đời mình. Mối
quan hệ sinh thái hết sức tự nhiên cộng hưởng như hình ảnh Trang một đời lúc
nào cũng mơ màng bên bờ sông định mệnh đời mình. Tình nghĩa thuỷ chung son sắt
cũng là một motif đặc biệt trong tác phẩm mà Nguyễn Minh Nữu gửi gắm với mọi
người, với thế hệ mai sau. Có nhau kiếp này vốn duyên ngàn năm hạnh ngộ. Thuỷ
chung trong tình yêu, Bát Lang chấp nhận không quay trở lại thiên đình, chịu kiếp
vô thường sinh tử bệnh lão để trọn nghĩa cùng người con gái mình yêu. Thuỷ
chung trong tình bạn, ấu thơ đùa vui bắn bi đánh đáo hát hò đến đến phút ngậm
ngùi tiễn nhau lần cuối quên đi những lọc lừa toan tính của đời (Hoà Bình áo
đen, Thanh Ca tác động…). Giá trị nhân văn xúc động trong Chuyện cổ tích trên bến
Bình Đông đọc mấy lần tôi vẫn rưng rưng. Ngòi bút kể chuyện như chụp như quay lại
từng khúc phim đời cảm động cho thấy tác giả chắt chiu từng chút tình người, và
cứ để sự kiện dẫn dắt người đọc suy ngẫm… Đạo lý. Nhơn nghĩa. Gieo nhân lành ắt
gặt quả ngọt. Cội nguồn đạo lý ngàn năm của dân tộc bao đời không cần những lời
hoa mỹ, đai tự sự mà nhẹ nhàng như những dòng sông con suối lặng lẽ dào dạt đôi
bờ…
Thi pháp phân mảnh (Fragmentation) là một
chọn lựa độc đáo của tác phẩm này với kết cấu ngắt đoạn tự nhiên theo dòng chảy
ký ức, có khi như dở dang bỏ lửng, có khi mờ hoá ranh giới không gian thời gian
nghệ thuật. Không có không gian nào trung tâm, không gian hiện tại bên này dòng
Potomac gần nửa đời gắn bó hay không gian kỷ niệm bên ấy quê nhà thuơng nhớ cứ
đan xen trộn lẫn kết nối thành những mối dây ân tình níu giữ cuộc đời người xin
chọn nơi này làm quê huơng vẫn không thôi thuơng nhớ cội nguồn. Không có và
cũng không còn khoảng cách. Những yếu tố hoang đường được vận dụng linh hoạt
trong Thuồng luồng mắt biếc cùng cách trần thuật theo dòng ký ức cho phép tác
giả đan lồng giữa hiện thực mở đầu là bờ sông Potomac của bang Virginia nước Mỹ
với con sông Tiền tận Hồng Ngự Đồng Tháp xa xôi, hay con đường Nuisap. St với
dãy Thất Sơn thiêng liêng bên kia bờ đại dương cách nửa vòng trái đất mà vẫn
không làm người đọc bất ngờ. Một kết nối thật ý nghĩa.
Hay
bởi trong mỗi chúng ta cũng đang đau đáu một dòng sông cội nguồn thao thiết của
chính mình…
Để
làm gì trong cõi “trăm năm cuộc lớn nguyên là mộng” này?
Tôi
đến đây và ghi dấu đây
Biết
trước chỉ trong một phút giây
Cái
vô cùng của rất vô cùng đó
Xoá
sạch đi bằng cơn gió bay
(Lời ghi trên đá, tr. 92)
Một
gửi gắm. Một nỗi niềm. Một kỳ vọng.
Thị
Nghè, 6.6.2021
Hoàng
Kim Oanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét