Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

NGUYỄN MINH NỮU, HÀ NỘI THỨ TƯ, truyện ngắn.




1 

Cao là bạn với tôi từ thời trung học. Cao học không giỏi nhưng là người thông minh. Cao sống chí tình với mọi người, nhưng đó không phải là điểm làm cho ông ta thành công trong cuộc sống có quá nhiều biến động như thời chúng tôi lớn lên. Chính vì quá nặng tình nên thường nhẹ lý, và thường khi giữa đám đông, Cao là kẻ chịu nhiều thiệt thòi. Thiệt thòi lớn nhất chính là khi mọi người đổ xô ra Vũng Tàu để tìm cách chạy theo những con tàu vượt biển, hoặc chen chân trước Tòa Đại Sứ Mỹ, phi trường Tân Sơn Nhất, hay bến tàu Saigon để mưu tìm một phương tiện thoát thân, Cao lại một mình ngược chiều chạy về Đà Lạt tìm gặp người thân. Hậu quả đó khiến Cao đã chịu đựng thêm 19 năm sống tại Việt Nam.


Cao vừa định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi nối được với nhau một tình bạn. Tình bạn giữa hai người quá lứa như một tách cà phê để nguội, nhìn thì chán mắt, nhưng có chịu khó nếm vào mới thấy nó đậm đà và nồng ấm hơn biết bao nhiêu.

Cao kể cho tôi nghe câu chuyện đi Hà Nội trước khi xuất cảnh, khi Cao nhận được một lá thư từ trong nước gửi tới. Chúng tôi ngồi với nhau ở sân vườn sau, dưới bóng mát của tàn cây cổ thụ rừng già, rừng tiếp nối vườn nhà. Tôi sinh trưởng ở miền Nam, niềm vui từ thủa thanh niên là cà phê, là thuốc lá, là bia rượu và là hào sảng ngân dài một câu vọng cổ. Nay cà phê thì làm tim đập mạnh, thuốc lá làm hôi nhà, uống rượu vào không được lái xe mà ngay cả mượn đời câu vọng cổ cũng không làm hài lòng mấy đứa con lai. Gặp lại Cao như gặp lại được một thời thanh niên cũ. Cái thời mà Đoàn văn Khánh mô tả là:

“Người ta biết cũng đâm liều.

 Còn hơi thở yếu, còn yêu em hoài…”

2

Tôi mang theo trong lòng rất nhiều nỗi khát khao. Sự chờ mong lâu ngày, khi chín, nó rạo rực như ai ấp than hồng lên bờ ngực. Hà Nội với tôi không phải là điều mới lạ, dù chưa bao giờ ghé đến. Tại sao? Đơn giản quá, tôi sinh ra ở Hà Nội. (Sinh ra mà không lớn lên ở Hà Nội là một điều may mắn mà mãi sau này tôi mới biết). Tôi rời Hà Nội khi lên bốn tuổi, cùng đi với tôi, ngoài gia đình sáu người, còn có gần hai triệu người nữa cũng bỏ lại tất cả để thoát thân vào Nam tìm tự do.

Lần này trở lại Hà Nội, nơi sinh ra sau hơn bốn mươi năm, ôm giữ trong lòng chồng chồng chất chất hình ảnh của Hà Nội qua lời kể, qua sách báo và đặc biệt là qua trí tưởng làm sao mà tôi không xao xuyến cho được. Khi di cư vào Nam, rất nhiều người đem theo cả Hà Nội. Phải nói như vậy mới đủ nghĩa. Trong lời nói, trong hành xử, trong thói quen, trong thức ăn thức uống, trong giao tế thường nhật, bất cứ lúc nào không gian Hà Nội vẫn len lỏi chen chúc sống với thời gian Saigon.

Mẹ tôi là một trong đám đông này. Buổi sáng với người, khởi đầu bằng một ấm trà đậm đặc và khay chén lỉnh kỉnh kiểu cách. Tôi không nghĩ rằng mẹ tôi uống trà mà tôi nghĩ người đang hành lễ. Ngồi xếp chân vòng tròn trên phản gỗ, từ tốn rót nước sôi vào cái ấm đất nung nhỏ bằng nắm tay, lắc lắc vài lần cho nóng đều, đổ ra cái chén lớn nhất cũng lớn gần bằng cái ấm mà người gọi là chén Tống, tráng qua loa, rồi chuyền nước qua bốn cái chén nhỏ xíu gọi là chén Quân. Đó là nghi thức chuẩn bị, bây giờ thì chờ nước sôi, người với tay lấy hộp chè Chính Thái Thiết Quan Âm, đổ ra lòng tay trái một nhúm nhỏ rồi khéo léo nghiêng tay cho trà vào ấm, rót nước sôi vào. Trong khi chờ trà ngấm, tay người thoăn thoắt lau khô bốn chén Quân, chén Tống, đĩa để chén, đĩa để bát, trong cái bát có cái ấm và sau chót là cái khay gỗ. Nói là cái khay nhưng cấu trúc của nó là một cái bàn nhỏ xíu, có viền và bốn cái chân, tất cả bằng gỗ đen tuyền cẩn ốc xa cừ. Đoán chừng trà đủ ngấm, rót ra chén Tống, với tay rót thêm nước sôi vào ấm, rồi mới thong thả chiết từ chén Tống ra bốn chén Quân, đặt hai chén Quân ra khay gỗ, còn lại hai chén trên đĩa sứ, mẹ tôi bước xuống phản, bưng đặt lên bàn thờ, thắp ba nén hương, bây giờ mới là lúc uống trà buổi sáng. Dáng ngồi đăm chiêu, tư lự trong không gian mờ nhạt nửa sáng nửa tối đó, bàng bạc khói sương như hiển linh suốt thời quá vãng.

Tôi không gọi Trà là Chè như mẹ tôi được. Tôi lớn lên ở Saigon, đã quen hiểu chè là một thứ khác, lạ lùng sao khi nghe mẹ tôi hoặc bằng hữu thân quen với người gọi “chè”, tôi lập tức hiểu đúng thứ người muốn mà không cần phải diễn thêm là chè tàu hay nước chè.

 

Tôi đã thức từ lúc những tiếng lịch kịch mẹ tôi kéo cái lò ra, bỏ than vào chuẩn bị nhóm bếp, nhưng tôi vẫn nằm yên, trùm chăn nhìn ra, lơ mơ, có lúc mở mắt, có lúc nhắm mắt. Tôi yêu thương và tôn kính không khí trầm lắng thâm nghiêm này. Tôi chưa bao giờ hỏi mẹ, và cũng chưa bao giờ suy đoán cả. Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ rằng đó là lúc mẹ dành riêng cho cha tôi, một người đã khuất.

Cha tôi mất cuối năm Tỵ, vào Nam mới làm giỗ đầu. Cái mất mát của người chồng nhập chung cái mất mát của vùng đất thân quen, làm tóc mẹ tôi sớm bạc. Người u uất nhìn về phía sau tưởng nhớ Hà Nội và lo lắng nhìn về phía trước trông chờ tương lai của sáu đứa con.

Bao giờ cũng vậy, sau hai tuần trà, mẹ tôi châm thêm nước sôi, rồi đổ toàn bộ cả bã trà và nước ra cái chén, từ chén chiết nước ra chén Tống, rồi gọi tôi dậy, – Có muốn uống chè thì ra đây. Tôi lồm cồm ngồi dậy, chạy vội ra súc miệng rồi leo lên phản ngồi đối diện với mẹ, cầm chén Tống có trà nước ba uống một hơi cạn sạch, lần nào cũng nghe mẹ mắng: uống như mày người ta gọi là ngưu ẩm, người Hà Nội không ai uống thế. “Người Hà Nội không ai làm thế” là một điệp khúc, nghe mãi thành quen, và tưởng lại thì luôn là một gợi nhớ. Câu nói đó thường khởi đầu cho một mẩu chuyện bất kỳ về cái thành phố sương mù quá khứ cũ.

Tôi biết Hà Nội vì trong khai sinh đề rõ địa chỉ gia đình lúc tôi ra đời: Số 7 đường Lý Quốc Sư, Hà Nội. Dòng chữ khô khan không mô tả được gì, nhưng với mẹ tôi và các anh chị tôi lại là biểu hiện của một Hà Nội sinh động. Suốt thời thiếu niên của tôi, Hà Nội trùm phủ và chan hòa như là đang thực sống. Sau này, mỗi khi nghĩ về Hà Nội là tôi nghĩ về những hình ảnh, phong cách và hành xử của người Hà Nội qua biểu tượng cũ trong trí nhớ nhỏ nhoi của mình.

Đoàn tàu dừng lại ga Phủ Lý mười lăm phút. Tôi nhìn đồng hồ ước lượng mình sẽ đến Hà Nội lúc nửa đêm. Đêm Hà Nội làm sao nhỉ? À, tiếng lanh canh của tàu điện, có tiếng rao hàng của ai phía xa không? Sương mù phủ mờ mịt mặt hồ Gươm… Khi Anh Bằng viết Nỗi Lòng Người Đi, ông chỉ nói: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu”, mà không nói xa ban ngày hay xa ban đêm. Tôi thầm mong ông xa người tình đầu vào ban đêm, ban đêm thích hợp cho mơ mộng, cho viễn tưởng và cho nỗi xót xa. Và tôi cũng sẽ hội ngộ đêm nay cùng Hà Nội.

Tôi mong chờ nhưng hoàn toàn không kỳ vọng là sẽ nhìn thấy Hà Nội phải như thế nào. Tôi sẽ thăm Hồ Gươm, thăm Đền Ngọc Sơn, thăm Hồ Tây, thăm Quán Thánh… tất nhiên, điều quan trọng và động lực chính của chuyến đi này là thăm mộ cha tôi và nơi tôi mở mắt chào đời, thăm một lần trước khi chia xa chẳng biết bao giờ gặp lại.

Bốn mươi năm sau khi mất, ngôi mộ an táng ngày xưa không còn nữa. Khoảng năm 1960, Nghĩa trang Voi Phục bị giải tỏa, may mắn là có người quen chôn cất kề cận mà con cái lại ở lại miền Bắc nên nhân tiện bốc cả lên di chuyển tới Yên Kỳ, Sơn Tây. Và do đó, tôi mới có dịp ra thăm kỳ này. Đoàn tàu chuyển bánh, tôi nhắm mắt lại, cố tìm giấc ngủ để đủ tỉnh táo nhìn mặt Hà Nội. Hà Nội mà tôi hội ngộ tối nay sẽ là một Hà Nội khác với hai cái Hà Nội tôi được biết từ trước.

Sau tháng Tư 1975, những người nón cối dép râu đem vào Saigon một Hà Nội khác. Họ kể lại với tôi một Hà Nội hoàn toàn không giống với Hà Nội trong tôi. Khác tới độ đối nghịch, và tôi có cảm giác thành phố họ kể không phải là Hà Nội, hoặc cái tôi đang gìn giữ trong tim là một thành phố trong mơ. Chưa bao giờ có thật. Cái Hà Nội được mô tả lần thứ hai này đầy máu, lửa, hận thù. Đó là “kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao”. Đất nước nào cũng phải trải qua chiến tranh để đi đến hòa bình, ai đó đã nói cây hòa bình phải tưới bằng máu, nhưng dẫu tưới bằng máu thì cũng phải nở hoa nhân ái thì mới được gọi là cây hòa bình chứ? Tôi ngạc nhiên khi thấy người ta chấm dứt chiến tranh bằng thủ đoạn và khởi đầu hòa bình bằng lòng hận thù. Vài ba tháng sau ngày chiếm trọn miền Nam, trong cuộc nói chuyện với văn nghệ sĩ và sinh viên học sinh tại rạp Olympic, Lưu Trọng Lư bước ra sân khấu với lời chào: “Tôi vẫn là Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô…” Sau tràng vỗ tay dài xúc động, họ Lưu nói chuyện khá dài về văn nghệ, về đời sống những tên tuổi lẫy lừng ngày xưa. Tới phần giao lưu, có câu hỏi xin cho biết về tình trạng hiện tại của các thi sĩ Phùng Quán, Trần Dần. Lưu Trọng Lư trả lời bằng một hình tượng: Thời đại tiến lên như một chiếc xe lớn, nó chuyên chở tất cả nhưng chính những người trên xe cũng phải biết bám lấy nó để tồn tại, tất nhiên, trên đường đi nó sẽ hủy diệt những gì là chướng ngại.

- Phải chăng những con người văn hóa đó là những chướng ngại cần hủy diệt? Câu hỏi thứ hai không được trả lời. Nhưng những người ngồi nghe hôm ấy đã phải tự trả lời sau đó không lâu.

Tàu chuẩn bị vào Ga Hàng Cỏ. Không khí náo loạn dần, người ta thu dọn hành lý, nói chuyện râm ran. Người đàn ông ngồi bên, người bạn đường từ Saigon. Vâng, tôi không thể không nhắc đến và kể về người đàn ông kỳ bí này. Chính ông ta đã cho tôi những xúc cảm và rung động cho tới bây giờ còn rạo rực. Chúng tôi ngồi chung một băng ghế và làm quen với nhau dễ dàng. Ông Vượng là thợ khảm, người miền Nam chúng ta gọi công việc đó là cẩn ốc xà cừ, người miền Bắc gọi là khảm trai. Ông ta vào Nam chín tháng theo lời mời của một ngôi đình ở Thủ Đức để thực hiện tấm tranh thờ Bà Chúa Liễu Hạnh. Công việc gần xong, chỉ còn một việc nhỏ và quan trọng nhất đó là vẽ nét mặt của vị thần linh trên tấm tranh thì ông ta phải đem về quê thực hiện.

- Tấm tranh thờ thì quan trọng nhất là nét mặt, chưa thực hiện được nét mặt thì coi như chưa thực hiện được điều gì, chứ sao lại coi là gần xong?

Ông Vượng lắc đầu – Cái ông nói là tranh vẽ, quan niệm ông nghĩ là thường tình. Nhưng đây là tranh cẩn ốc và quan niệm áp dụng ở đây là tôn giáo. Khác nhau chỗ này. Tranh cẩn ốc là loại tranh kết cấu bằng nhiều mảnh ốc nhỏ, căn cứ vào màu sắc và độ phản chiếu ánh sáng, người thợ cưa cắt, ghép chúng lại theo hình dạng định sẵn, sau đó đục gỗ sâu xuống khoảng một ly, để ốc vào và mài cho bằng phẳng với mặt gỗ. Khi dùng dao nhọn tách những nét đen trên ốc chỉ là những nét điểm xuyết, tranh càng ít nét tách là tranh thực hiện càng công phu, đây là cái tinh vi của Thủ Công Mỹ Nghệ. Còn nữa, khi đi vào lãnh vực tranh tôn giáo là ta đi vào ước lệ. Ước lệ này căn cứ từ trang phục, kiểu tóc, giày vớ để phân biệt vị thần linh này và vị thần linh khác, nếu chúng ta để riêng khuôn mặt thì không ai phân biệt được khuôn mặt nào là của vị nào. Cho nên, một tấm tranh cẩn ốc tôn giáo thường coi như xong dễ dàng vì khuôn mặt ước lệ không đòi hỏi quá cao về mỹ thuật. Ngoại trừ trường hợp này.

- Ngoại trừ?

- Chính vì ngoại trừ này mà ngôi đình ở Thủ Đức dù rất gần Thủ Dầu Một là trung tâm cẩn ốc phía nam vẫn phải cậy cục mời thợ từ Hà Bắc vào thực hiện tranh thờ Bà Chúa Liễu Hạnh. Và người thợ thực hiện xong tranh lại phải cậy cục đem mảnh ốc đã cưa sẵn hình khuôn mặt ra Bắc, về Phủ Tây Hồ dâng lễ trầu rượu và thực hiện nét tách mặt ngay tại chính điện, trước bàn thờ. Nghi thức này người thợ khảm trai miền Bắc chỉ áp dụng trên tranh tôn giáo với đề tài Tứ Bất Tử mà thôi. Ông biết Tứ Bất Tử chứ? Bốn người mà truyền kỳ Việt Nam không ghi nhận được cái chết, đó là Chử Đồng Tử, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương và Liễu Hạnh Công Chúa. Phủ Tây Hồ nằm trên rẻo đất nhô ra mặt hồ phía tây Hà Nội là nơi thờ Công Chúa Liễu Hạnh, tổ đình của tôn giáo thờ Tứ Phủ này.

Nghề khảm trai đối với dân Hà Bắc cũng là một tôn giáo, họ tự trói mình trong những điều luật khắt khe cha truyền con nối, trong đó, nếu thực hiện tranh thờ bên Tứ Phủ thì dung mạo các vị thần linh phải được vẽ tại đền thờ chính vị đó. Nghi thức này gọi là Tế Dung. Ông Vượng về Bắc theo tổ truyền để làm lễ. Tôi rất thú vị cùng đi làm bạn với ông. Khi tàu vào Ga Hàng Cỏ, chúng tôi tạm chia tay, tôi cần đi Sơn Tây thăm mộ, Vượng cần về Hà Bắc thăm nhà hẹn nhau hai ngày sau sẽ gặp ở Phủ Tây Hồ.

 

Đặt chân lên đường phố Hà Nội sau khi vượt thoát khỏi vòng vây của xe ôm, xích lô và người bán hàng rong. Với hành lý gọn nhẹ và địa chỉ rõ ràng của người quen ở gần Ga Hàng Cỏ, tôi muốn thong thả đi và thở không khí Hà Nội ban đêm. Tháng Bảy, trời se lạnh và gió nhẹ. Hai dãy đèn vàng bên đường cho tôi cảm giác thân thuộc như đã từng gặp. Phải lắm, hình ảnh này đã là hình ảnh cũ mà tôi đã từng nghe kể lại trong ký ức gia đình. Hình như, trong Hà Nội thứ nhất của tôi lúc nào cũng buồn, cũng quạnh hiu và cũng mờ mờ như trong buổi tối trời.

Tôi quyết định ngủ đêm từ quán trọ, phải lắm và hay đó. Tôi như người khách lạ trong thành phố mình nghĩ rằng quen này. Tôi muốn hòa vào cuộc sống hoàn toàn khác kia và tìm trong đó những làn hơi quen.

Một thanh niên gạ mời tôi mua báo.

- Được, cho tờ Kiến Thức, bao nhiêu?

- Mười hai ngàn.

- Ồ, sao vậy, thường giá sáu ngàn mà?

- Sáu ngàn? Cháu mua cũng không được giá đó, chú trả thêm cho cháu nhé…

- Tôi là độc giả quen, mua thường xuyên, nhưng có thể đường sá xa xôi nên bán đắt hơn một chút cũng được, tôi trả bạn tám ngàn chịu không?

Người thanh niên nghiêng mặt nhìn tôi, buông thõng:

- Địt mẹ, giá đấy lấy gì ông ăn?

Và bỏ đi, mặc kệ sự sững sờ của khách. Tôi bàng hoàng trong giáp mặt đầu tiên với con người Hà Nội. Không phải vì câu chửi của chàng thanh niên, mà vì sự đổi giọng giữa hai câu nói liên tục, từ câu trên mang tính thân thiện và cầu mong, tới câu sau trở giọng đốp chát, thiếu giáo dục. Hai câu nói lật lọng từ một người với một người cách nhau không đầy một phút. Tôi ôm nỗi buồn vào phòng trọ qua đêm.

 

Một đêm mất ngủ nhưng qua nhanh. Tôi nằm miên man nghĩ ngợi lung tung về nắng mưa thời tiết, văn hóa, chính trị chen lẫn những nôn nao chờ đợi cho hình ảnh sẽ gặp ngày mai, cho tới khi tiếng xe chạy trên đường đã nhiều, tôi nghĩ thành phố đã thức. Tôi ngồi dậy thu xếp hành trang gửi lại nhà trọ, trang phục gọn nhẹ cho chuyến rong chơi. Xem lại bản đồ và tìm đường ra Hồ Hoàn Kiếm. Hồ Hoàn Kiếm có Tháp Rùa, có Đền Ngọc Sơn. Tôi dành buổi gặp gỡ đầu tiên với Hà Nội cho Đền Ngọc Sơn, không phải vì thắng cảnh mà vì kỷ niệm.

Tất nhiên, không thể có kỷ niệm với một cậu nhóc lên bốn được. Nhưng là kỷ niệm của gia đình. Tấm ảnh được dán trân trọng ở trang đầu tiên của cuốn album là ảnh Đền Ngọc Sơn, nơi đó, trong thời kỳ toàn thịnh của chế độ Pháp thuộc, đầu tiên có một lớp dạy Hán Nôm thử nghiệm, từ khởi đầu nhỏ nhoi này, Đại Học Văn Khoa đầu tiên của Việt Nam đã được hình thành. Giáo Sư đầu tiên là một vị Đại Khoa triều Nguyễn, bao nhiêu năm phải dạy chữ Pháp, nay được trở về dạy tiếng Hán Nôm, đã thở phào nhẹ nhõm:

Mười mấy năm nay gái lộn chồng

Nay về cho khỏi kiếp long đong

Người ta duyên mới vui như tết

Mình giở gương xưa luống lạnh lùng.

(Phó Bảng Nguyễn Can Mộng 1885 - 1954)

Dọc theo hành lang, dọc theo các cột kèo vẫn là những câu đối chữ Nho của các bậc tiên hiền, nhưng người ta không còn tìm thấy tên của các tác giả nữa, thay vào đó là tấm bảng ghi lại cách phát âm và lời dịch bằng văn xuôi. Những người quản trị Đền Ngọc Sơn đã chuyển từ văn chương bác học qua văn chương bình dân, cùng lúc chuyển từ ý tứ thâm trầm sâu sắc, phát sinh từ một nền văn hiến bốn nghìn năm qua thành diễn dịch ngô nghê, thô tục.

- Tên tác giả đâu?

- Việc gì phải nhớ đến những con người, chúng ta đã quản lý thật tốt tài sản để phục vụ nhân dân, những câu văn đó sở dĩ còn lưu lại, chính là nhờ nó nói lên được cái hay đẹp mà tài sản này có được.

Người đàn ông đang quản trị Đền Ngọc Sơn đã trả lời như vậy. Điều này không gây ngạc nhiên cho tôi, bởi vì, quan niệm văn hóa không đem lại lợi nhuận thì không giá trị bằng một đống phân đã là một danh ngôn được ngợi ca như khuôn vàng thước ngọc, in ấn đầy rẫy trong sách vở báo chí từ bấy lâu nay.

3

Vượng đón tôi ở cửa phủ. Chiếc áo the đen và chiếc khăn đóng làm tôi không nhận ra ông. Vượng cầm tay tôi dắt vào:

- Tôi nghĩ rằng chắc chắn ông sẽ tới.

- Thật vậy, tôi thật lòng muốn gặp ông nhưng tưởng sẽ chỉ gặp hai ngày sau khi ông từ Hà Tây trở lại, thật vui khi gặp ông sớm hơn.

- Vâng, nhưng qua trò chuyện với ông trên tàu hỏa, tôi ước chừng với lối suy nghĩ mơ mộng của ông, ông sẽ ngỡ ngàng khi đối diện với Hà Nội, nên tôi chủ động tìm gặp ông trước. Phải chăng ông rất buồn, và vỡ mộng khi đối diện trực tiếp với Hà Nội?

- Ông đoán gần đúng với ý tôi.

- Ông buồn vì nó không còn đẹp như lòng ông nghĩ đến, và vỡ mộng bởi sự trần trụi quá đáng của con người trong nhịp sống ồ ạt quay cuồng?

- Tôi nghĩ tệ hại hơn. Thiên nhiên có lẽ cũng chỉ vậy thôi, nhưng đối diện với sự đổ nát, tôi không kềm được lòng mình cũng nát tan theo.

- Ông nói về kiến trúc?

- Không, tôi nói về văn hiến, cái Văn Hiến nuôi dưỡng và biểu lộ bằng giao tế giữa những con người.

- Đó là ông mới nhìn thấy Hà Nội trên mặt nổi.

- Nghĩa là còn có mặt chìm?

- Gần như vậy. Tôi hiểu và cảm thông được với ông từ khi chúng ta ngồi ăn trưa với nhau ở Ga Phan Thiết. Khi nghe ông tả về Hà Nội trong trí nhớ ấu thơ ông, hay cái Hà Nội theo lời kể của những người đi vào tiếp quản miền Nam. Tôi đã nghĩ rằng ông sẽ bàng hoàng khi gặp mặt cái Hà Nội thực tại khi ông bước xuống sân Ga Hàng Cỏ. Và tôi đã tự nhận trách nhiệm khi gặp lại để nói với ông về Hà Nội.

- Ông muốn nói tới một Hà Nội khác hơn những cái tôi đã gặp?

Ông Vượng đứng tựa lưng vào gốc liễu. Tháng Bảy Hà Nội đang bước vào mùa thu, gió gờn gợn trên mặt hồ xanh biếc, Phủ Tây Hồ vắng ngắt không người, không gian im ắng không một tiếng chim kêu. Cảnh u tịch đẹp nhưng lại lạnh lùng như nét vẽ.

Ông Vượng trầm ngâm điếu thuốc lá trên tay, không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà chợt quay lại:

- Ông biết Nguyễn Tuân?

- Tác giả “Chiếc Lư Đồng Mắt Cua”?

- Phải, nhưng ông ta sống được cho tới tuổi già không phải nhờ vào tác phẩm đó. Tác phẩm đã cho ông ta những tiêu chuẩn lãnh gạo là tác phẩm “Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi”.

- Cuốn đó gọi là tác phẩm sao?

- Ở mức độ nào đó, cuốn sách đã là lá chắn cho sự sinh tồn của nhà văn. Ông ta đã chết, Chết sau khi nói một câu vang vọng khắp những người cầm bút miền Bắc, đó là câu trả lời một người bạn văn: Tôi sở dĩ còn sống được đến bây giờ là nhờ tôi biết Sợ.

- Sau “Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi”, Nguyễn Tuân không còn là nhà văn.

- Điều đó không đúng. Ông ta không là nhà văn khi ông ta viết “Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi”. Nhưng khi đã có cái lá chắn che chở về chính trị đó, những điều ông ta âm thầm viết ra và chưa thể phổ biến, mới là chân thực con người Nguyễn Tuân. Ông biết Chế Lan Viên?

- Tác giả Điêu Tàn?

- Bài thơ cuối đời được phổ biến là bài Bánh Vẽ. Đó chỉ là một trong hàng trăm bài thơ khác viết cùng thời kỳ, và chưa được chính thức in ra.

- Nhắc tới Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, ông định hàm ý điều gì?

Vượng cười lớn, hàm ý điều gì ư? Tôi không hàm ý một điều gì, nhưng họ thì hàm ý nhiều điều lắm. Thực ra họ cũng chẳng đại diện cho ai, nhưng rõ ràng họ là con người trong đám đông, rất đông những con người như họ, sống ẩn khuất bằng các dạng kiếm cơm không giống nhau, vẫn âm thầm chờ đợi một điều khác sẽ xảy ra. Không có những mẫu người tranh đấu đối diện trực tiếp với quyền lực như ở miền Nam, nhưng thật nhiều những bất hợp tác, tẩy chay, nhận định thật rõ chân tướng của sự việc rồi truyền tai nhau để như những vết dầu loang, chỉ một sự kiện nhỏ xảy ra, dù che giấu cách mấy cả thành phố cũng biết tường tận vào một vài ngày sau.

- Nhưng đó không phải thái độ tích cực.

- Xuất cảnh đi nước ngoài như ông là tích cực sao?

Tôi nhìn thẳng vào mắt Vượng. Ẩn sau con người làm lao động chân tay và có vẻ sống chết với nghề kia, dường như ẩn giấu một nhân cách thứ hai. Đôi mắt Vượng sáng, sâu và nhiệt tình dữ dội.

Từ khi làm quen với nhau trên chuyến xe qua một bức tranh trên bìa báo, Vượng đã nói với tôi về tranh Cẩn Ốc, qua tới thơ của các cụ già trong làng Thợ Cẩn, qua tới các tác giả đương thời. Tôi đã ngạc nhiên rất nhiều về sức đọc và trí nhớ của người đàn ông này.

Ông Vượng nói nhỏ hơn, giọng trầm lại:

- Xin lỗi ông, tôi không có ý nói vậy.

- Nhưng ông đã nói rồi, và ông nói cũng đúng.

- Tôi chỉ muốn chia sẻ cùng ông những điều u uất chung, mà tôi nghĩ rằng ông cũng như tôi, chúng ta đang ở những vai kịch phải luôn đóng cả hai khuôn mặt. Khuôn mặt cho cơm áo gạo tiền và khuôn mặt cho ước mơ bay bổng.

- Ông đã làm xong nghi thức Tế Dung cho bức tranh cẩn chưa?

Ông Vượng chỉ vào bờ nước kề cận:

- Năm 74, một ông rùa có đường kính gần hai thước tây đã chết và tấp vào bờ nước này.

Tôi bật cười, Ông nghĩ đó là Thần Kim Quy?

Vượng không cười, mắt nhìn xa về phía tây bắc, đăm đắm nỗi hồi mong.

- Ông không sống ở Bắc Hà, ông không hiểu gì về kết cấu của Hồ Hoàn Kiếm với Núi Tản Viên, ông không tin gì về Tản Viên Sơn Thánh với Liễu Hạnh Công Chúa. Tất nhiên không ai trách ông những điều như vậy, nhưng thật sự đó là một thiếu sót khi ông bỏ quên đi một mảng khá lớn trong lập thuyết sinh tồn của miền Bắc Hà, miền địa dư được đánh giá địa linh nhân kiệt này.

Khi tạm biệt, tôi nhìn được trong mắt Vượng còn nhiều điều không nói ra. Tôi mường tượng như còn có một con người khác trong con người đầu tắt mặt tối kia.

4

Chúng tôi ngồi ở sân sau, trời đang là mùa thu, những hàng cây phong từ màu xanh chuyển qua vàng rồi đỏ ối suốt tầm mắt nhìn. Cao chiêu ngụm nước trà nóng, và thở khói thuốc ra mờ mịt. Mùa Thu ở Virginia là vậy, chen giữa cái nóng của mùa hè còn sót lại là những cơn lạnh bất thường, trên xe, thường khi mới buổi sáng đây còn mở máy heat thì tới trưa đã phải chuyển qua máy lạnh. Tôi chờ đợi đoạn kết câu chuyện mà Cao vừa kể về Hà Nội, hay nói chung ra, là về Việt Nam, vùng đất ông vừa rời bỏ chưa đầy một năm trước đây. Nhưng Cao im lặng nhìn mông lung. Trên bàn vẫn là lá thư viết từ Việt Nam mà Cao nói rằng vừa nhận được từ Hà Nội. Bức thư của Vượng, bức thư đã khởi đầu cho câu chuyện kể dài dòng về thành phố xa xôi cách trở bên kia.

Bất chợt Cao hỏi tôi về những người quen gặp lại trong buổi ra mắt sách tuần trước. Thấy Cao muốn bỏ lửng đoạn cuối câu chuyện, tôi nhắc chừng:

- Trước khi ông rời Hà Nội, ông có gặp lại Vượng hay không?

- Không, sau đó suốt ba tháng chót còn ở Việt Nam, tôi có lên tìm Vượng vài lần tại ngôi đình mà ông ta nói gần Thủ Đức, cũng không gặp. Vài người thợ cẩn làm việc chung nói rằng ông ta đã gửi miếng ốc có nét tách chân dung mẫu Liễu Hạnh vào rồi, nhưng ông ta không vào làm việc nữa. Qua câu chuyện thăm dò với những người bạn chung làm việc với Vượng, người nói này người nói khác không giống nhau, nhưng nói chung vẫn là đánh giá Vượng là kẻ khác đời. Có đứa nói ông ta không phải người Kinh, mà là người Thổ, một sắc dân ở cao nguyên Bắc bộ, Vượng có bùa chú và bí mật thờ ma xó nên hay biết được chuyện thầm kín người khác. Đứa thì nói Vượng là con một địa chủ ngày xưa, đã bị đấu tố chết từ năm 1948 ở nông thôn Thái Bình. Vượng lưu lạc và giấu mình vào vỏ bọc lao động cần cù, vượt thoát vòng kiềm chế của chính quyền bằng tài khéo léo của đôi tay. Nhưng không đứa nào biết được Vượng là người đọc sách.

Trước khi rời Việt Nam tôi gửi cầu may cho Vượng một lá thư về địa chỉ miền quê, và cho Vượng biết địa chỉ người thân của tôi bên này. Tôi không nghĩ rằng sẽ nối được liên lạc với Vượng.

- Và Vượng trả lời thư ông?

- Sau đó cả năm.

- Và ông tin tưởng vào lập luận mang đầy tính huyền bí kia để nghĩ rằng đất nước đang vào một chu kỳ biến động, để đi tới tốt đẹp hơn?

 

Cao cau mày lại – Tại sao cứ phải đặt vấn đề tin hay không tin khi tất cả đều ngoài tầm tay chúng ta? Tôi không đặt lòng mình vào sự hiển linh của Tản Viên Sơn Thánh, hay Liễu Hạnh Công Chúa, hay một vị thần linh nào khác, bởi vì tôi hiểu rằng sự hiển linh của một vị nào bất kỳ đều là kết tinh của một niềm tin rộng lớn, nhưng thầm kín, của cả một thế hệ, cả một dân tộc. Cho nên tôi đặt niềm tin vào những luồng sóng ngầm đó. Những luồng sóng ngầm trong lòng Hà Nội khi nó luân lưu thì là nguồn nuôi sống con người, nhưng khi đột phá, thì nó chính là sự bùng vỡ từ trung tâm cứ tưởng là bền vững kia.

- Nhưng lá thư ông Vượng viết cho ông nói như thế à?

Bức thư được mở ra, thư Vượng viết thế này:

“Xin lỗi đã trả lời thư trễ, trễ vì không thể viết sớm hơn. Rất tâm đắc với ông, khi ông phân tích Hà Nội thành ba cái khác nhau. Cái Hà Nội thứ nhất là cái Hà Nội trong nỗi nhớ của gia đình ông, cho nên nó mơ hồ, nên thơ và tất nhiên không thể có thật. Cái Hà Nội thứ hai của nón cối dép râu mô tả với ông là cái Hà Nội trong “Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi” của Nguyễn Tuân. Đó là cái Hà Nội của bọn văn công ăn cơm thật nói chuyện giả, cái Hà Nội chỉ có trong văn bản của hệ thống truyền thông quốc doanh, và tất nhiên không thể là cái Hà Nội thật được. Và ngay cái Hà Nội thứ ba mà ông trực tiếp đối mặt, gặp gỡ trong lần ông ghé Hà Nội, cũng không phải là Hà Nội đúng nghĩa. Ông mới chỉ nhìn lớp váng để đoán một nồi canh. Mới chỉ cưỡi ngựa để thưởng thức hương hoa. Và nói cho đúng nhất là mới chỉ đứng ở bờ đèo để đoán lòng biển cả.

Không phải thế đâu, hãy nghiêng mình xuống để nghe được âm vang, hãy lắng lòng lại mà rung theo địa chấn.

Xin mô tả với ông một Hà Nội khác. Đó không phải là thành phố Hà Nội, mà là tấm lòng Hà Nội. Đó không phải là Chính Quyền đang cai trị Hà Nội mà là cái văn hiến bàng bạc trong thói ăn nếp ở của người Hà Nội. Đó là Nề, là Nếp, là Kinh, là Lịch mà không một thể chế nào bôi xóa được. Chỉ có thể lúc nó nổi lên như một phong cách riêng tư, hoặc nó lặn xuống như một luồng sóng ngầm, âm vang mãi mãi trong lòng Hà Nội. Thư viết cho ông không thể viết dài, nhưng thật đấy, sẽ có một ngày ông được nhìn thấy Hà Nội Thứ Tư.”

5

Trong lúc tôi đọc thư, Cao đưa tay với bình trà, rót ra tách. Cao nói, từ chiều tới giờ, chúng ta uống đã hết ba bình rồi. Thôi không uống nữa.

Vâng, cũng vừa xong mùa thứ ba của một năm nhiều biến động.

 

Nguyễn Minh Nữu

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Minh Nữu: LỜI GHI TRÊN ĐÁ. toàn bộ tập thơ xuất bản năm 2006

      VỀ NHỮNG BÀI THƠ CỦA NỮU ( lời mở của BÙI BẢO TRÚC) Con đường chạy tới một ngõ hẻm. Trời vừa mới xong một trận mưa. Mùi đất ẩm bốc...